Trên thế giới, có 3 tổ chức ngầm khét tiếng: Mafia (Mỹ), Hội Tam Hoàng (Trung cộng) và Yakuza (Nhật Bản).
Những năm đầy biến động của thế kỷ 20, họ hoành hành tứ phương, gây không ít nỗi kinh hoàng. Song khác với các tổ chức tội phạm chỉ lo phạm pháp là chính, Yakuza có đôi mặt khá… đáng yêu. Chí ít thì trong 2 đại thảm họa, động đất Kobe năm 1995 và sóng thần Tohoku năm 2011, họ là những người đầu tiên đứng ra cứu trợ các nạn nhân.
Theo con số ước tính năm 2017, trên toàn Nhật Bản có khoảng 34.500 Yakuza. Họ phân chia vào các băng nhóm khác nhau, kiểm soát thị trường kinh doanh, lao động, bài bạc…
Yakuza Nhật Bản
Đặc điểm nhận dạng của các Yakuza là xăm trổ đầy mình và bàn tay thiếu ngón. Tổ chức này có quy định, chặt ngón tay với các thành viên vi phạm luật lệ thế giới ngầm. Những năm gần đây, do chính phủ Nhật Bản kiên quyết "quét" sạch các băng nhóm tội phạm, Yakuza rơi vào tình cảnh… thiếu miếng ăn. Không ít người buộc phải chuyển đổi "công việc", sang buôn bán rong, bói toán, thậm chí là làm… nhân viên bảo vệ.
Hầu hết các thủ lĩnh Yakuza đều có vợ và tình nhân. Tuy nhiên, chẳng mấy ai biết về đời tư của những phụ nữ này cả. Mặc dù họ luôn bên cạnh lãnh đạo băng đảng, thậm chí tạm tiếp quản vị trí đứng đầu nếu chồng/người yêu vào tù, song dấu ấn về sự tồn tại của họ lại siêu mờ nhạt.
Ngay khi xem xong tác phẩm điện ảnh Gokudo no tsumamachi (1986) - kể về cuộc đời 2 người phụ nữ của Yakuza, nhiếp ảnh gia Chlóe Jafé (Pháp) đã bị mê hoặc. Cô tự đến đất nước Mặt trời mọc, quyết tâm tìm và chụp ảnh phụ nữ Yakuza. Vừa đến nơi, Jafé vấp ngay một loạt các rào cản. Cô không hiểu ngôn ngữ và cũng chẳng có người quen ở xứ sở hoa anh đào.
Nhiếp ảnh gia Chlóe Jafé
Không nản chí, Jafé luyện nghe - nói tiếng Nhật, sau đó xin vào một câu lạc bộ tiếp viên nữ (hostess club) do Yakuza mở. Ở Nhật, các kiểu hostess club rất phổ biến, chủ yếu phục vụ khách hàng nam giới.
"Tất cả nữ tiếp viên ở đó đều liên quan đến Yakuza, đôi người còn có khả năng là tình nhân thủ lĩnh băng nhóm nữa," – Jafé giải thích. Nhưng sau khi tiếp cận thành công, cô lại vỡ lẽ còn khuya mới chụp được ảnh. Bởi họ phải được chồng hoặc tình nhân là Yakuza cho phép, mà muốn gặp những người này thì khó hơn lên trời.
Đúng lúc tính bỏ cuộc, cô gặp may. Khi cô đang ngồi nghỉ mệt trên vỉa hè thì có một người đàn ông bước tới, mời đi uống. Trùng hợp làm sao, ông ta lại chính là thủ lĩnh của một băng nhóm Yakuza.
"Ông ấy mặc kimono và xung quanh có một nhóm thuộc hạ bảo vệ. Bằng thái độ vô cùng tử tế, ông ấy mời tôi một cốc bia," – Jafé kể. Chuyện tiếp theo cứ như phim, cô ngỏ ý mời "ông trùm" vừa quen tới ăn tối ở một nhà hàng. Mặc dù Jafé đến sớm những 30’, "ông trùm" đã đến trước chờ cô. Họ sánh vai bước vào nhà hàng.
Với vốn tiếng Nhật ít ỏi, Jafé phải cố gắng lắm mới giải thích được mục đích của mình. "Ông trùm" có vẻ nghi ngờ, nhưng vẫn bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ. Nhờ "người trong giới" này, Jafé thành công tiếp cận một số phụ nữ Yakuza.
Phụ nữ Yakuza: Những cái bóng thầm lặng bên chồng/người yêu tội phạm
"Trong thời gian sống ở Nhật, tôi học được 2 điều," - Jafé bộc bạch, "đó là ganimimasu (làm tốt phận sự của mình) và gaman (nhẫn)". Cô kiên nhẫn chờ đợi phụ nữ Yakuza mở lòng, tin tưởng, trở thành bằng hữu tâm giao với mình.
"Trong thế giới ngầm Yakuza, sự gia trưởng còn mạnh hơn văn hóa phụ hệ vốn đã rất trọng nam của Nhật Bản," – Jafé cho biết. Hầu hết phụ nữ Yakuza đều là đàn bà nội trợ, sống cực kỳ khép kín và bí mật. Trước khi gặp chồng/người yêu Yakuza, họ cũng chỉ là nữ giới bình thường. Vì yêu Yakuza, họ phải cắt đứt mọi liên hệ với thế giới bên ngoài, toàn tâm toàn ý chăm lo cho người đầu ấp tay gối.
Phụ nữ Yakuza
Trong một băng đảng Yakuza, phụ nữ chỉ giữ vai trò nấu nướng, dọn dẹp, làm vợ, mẹ. Họ âm thầm như những cái bóng, không thể hiện bất cứ khát vọng cá nhân nào.
Tùy thuộc vào địa vị của chồng, vai trò và trách nhiệm của phụ nữ có phần khác. Nếu người tình là thủ lĩnh, họ phải am tường mọi sự trong tổ chức, chăm lo cho thủ hạ và phân ưu giúp "ông trùm". Khi thủ lĩnh bị đi tù hay qua đời, họ phải thế vai, gánh vác nghĩa vụ lãnh đạo băng nhóm.
Hình xăm trên lưng đóng vai trò là tôn nghiêm và tấm khiên bảo vệ
Giống như đàn ông Yakuza, phụ nữ Yakuza cũng xăm mình. Với mỗi "người mẫu", Jafé đều đề nghị hãy ghi lại lịch sử và ý nghĩa hình xăm trên cơ thể. Một số phụ nữ chỉ đi cùng Yakuza trong khoảng thời gian ngắn, và hình xăm trên người họ giống như bằng chứng. Một số phụ nữ khác lại cam tâm tình nguyện đóng vai cái bóng trọn cuộc đời.
Ngoài vợ/nhân tình Yakuza, còn có phụ nữ là con cái, chị em của Yakuza. Họ cũng xăm mình, nhưng là để thể hiện sự mạnh mẽ, độc lập. "Tôi muốn một cuộc sống không phải dựa dẫm vào đàn ông," – Yuko, con gái của một Yakuza viết. "Đối với tôi, hình xăm trên lưng là niềm tự tôn và cũng như tấm khiên bảo hộ."
Nếu thủ lĩnh Yakuza vào tù hay qua đời, người phụ nữ của họ sẽ tiếp quản vị trí lãnh đạo băng nhóm
Jafé đặt tên bộ sưu tập ảnh của mình là I give you my life (Cho người cuộc sống của ta). Cô muốn gửi đi thông điệp, đằng sau người đàn ông vĩ đại đích thực có bóng dáng người phụ nữ tuyệt vời.
*Tham khảo Dazeddigital và Huckmag
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.