JP Morgan Chase, Citigroup, Bank of America, Wells Fargo, Goldman Sachs, và Morgan Stanley là sáu công ty cho vay lớn nhất tại Hoa Kỳ. Kết hợp lại, sáu ngân hàng này dự kiến sẽ dành ra 5.7 tỷ USD dự phòng để giải quyết các khoản vay khó trả, cao hơn gấp đôi so với 2.7 tỷ USD mà họ phải dành ra một năm trước.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết: “Với việc hầu hết các nhà kinh tế Hoa Kỳ dự báo về một cuộc suy thoái hoặc chậm lại đáng kể trong năm nay, các ngân hàng có thể sẽ đưa ra một triển vọng kinh tế ảm đạm hơn.”
Các ước tính sơ bộ từ Infinitive dự đoán sáu ngân hàng này sẽ báo cáo lợi nhuận ròng giảm trung bình 17% trong quý bốn so với cùng kỳ năm trước. Chi phí đi vay và giá cả tăng đã buộc các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải hạn chế chi tiêu, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng.
JP Morgan Chase, Citigroup, Bank of America, và Wells Fargo dự kiến sẽ báo cáo thu nhập của họ vào thứ Sáu tuần này. Nhiều giám đốc ngân hàng gần đây đã cảnh báo về một môi trường kinh doanh khó khăn hơn và đã tuyên bố cắt giảm việc làm cũng như giảm lương. Các nhà đầu tư sẽ chú ý sát sao đến bình luận từ các giám đốc điều hành để xác định triển vọng kinh tế.
Thu nhập lãi cao, doanh thu cố định
Theo Financial Times, các nhà phân tích ước tính Wells Fargo, Bank of America, Citigroup, và JP Morgan Chase đã tạo ra thu nhập lãi khoảng 60 tỷ USD trong quý bốn, Con số này sẽ tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng những ngân hàng này sẽ gặp khó khăn hơn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần nhanh chóng do Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất chậm hơn và khách hàng gây áp lực buộc các ngân hàng phải trả lãi suất tiền gửi cao hơn.
Ông Scott Siefers, nhà phân tích ngân hàng tại Piper Sandler, cho biết: “Tôi nhận thấy rằng năm 2023 phần lớn sẽ là một năm có nhiều biến động, chủ yếu là từ tác động tích cực thành tiêu cực đối với ngành này.”
“Tôi nghĩ rằng chúng ta càng tiến xa hơn trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ này của [Fed] và chúng ta càng tăng [lãi suất] cao hơn, thì các ngân hàng sẽ càng gặp khó khăn hơn trong việc giảm chi phí của mình cho tiền gửi.”
Nhìn chung, sáu ngân hàng lớn này dự kiến sẽ báo cáo doanh thu quý bốn phần lớn không thay đổi so với một năm trước. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) ước tính giảm trung bình khoảng 25%.
Tình hình lĩnh vực ngân hàng trên toàn cầu
Theo Đánh giá Hàng năm về lĩnh vực Ngân hàng trên Toàn cầu của McKinsey được công bố hồi tháng 12/2022, thì lợi nhuận của lĩnh vực ngân hàng đạt mức cao nhất trong 14 năm vào năm 2022, với doanh thu tăng thêm 345 tỷ USD. Lợi tức kỳ vọng trên vốn chủ sở hữu được ước tính là trong khoảng 11.5–12.5%.
Hãng tư vấn này cho rằng sự tăng trưởng này là do “sự gia tăng mạnh về tỷ suất lợi nhuận ròng” do lãi suất tăng. Tuy nhiên, hơn một nửa số ngân hàng trên thế giới đã có mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vốn cổ phần vào năm ngoái.
Báo cáo nêu rõ: “Trong nửa cuối năm 2022, phân tích của chúng tôi cho thấy rằng việc tăng tỷ suất lợi nhuận mang lại lợi nhuận cao hơn chi phí vốn chủ sở hữu chỉ đối với 35% ngân hàng trên toàn cầu. Và chưa đến 15% ngân hàng đang kiếm được cao hơn 4% mức chi phí vốn chủ sở hữu tương ứng của họ.”
McKinsey đưa ra 5 “yếu tố khủng hoảng” đang ảnh hưởng đến các ngân hàng trên toàn cầu. Các yếu tố này bao gồm:
* Lạm phát tăng cao và khả năng xảy ra suy thoái;
* Giá trị tài sản giảm mạnh;
* gián đoạn cung cấp năng lượng và lương thực góp phần gây ra lạm phát;
* Khủng hoảng chuỗi cung ứng; và
* Khủng hoảng nhân tài, với nhiều người rời bỏ lực lượng lao động hoặc làm việc từ xa.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.