Ngày nay, rất ít bạn trẻ ở Việt Nam chưa từng biết đến những cái tên như BTS hay Blackpink.
Mỗi khi các nhóm nhạc Hàn Quốc này ra mắt một ca khúc mới là sẽ ghi nhận nhiều kỷ lục và nhanh chóng đạt top 1 trending (thịnh hành) YouTube tại thị trường Việt Nam.
Chỉ cần bước chân ra phố đi bộ Hoàn Kiếm, không khó để bắt gặp một nhóm các bạn trẻ đang say mê trong những điệu nhảy sôi động trên nền nhạc Hàn Quốc.
Nhưng tình yêu K-pop của giới trẻ Việt không chỉ dừng ở việc “cày view” hay nhảy cover các MV, mà họ sẵn sàng chi hàng chục triệu ra nước ngoài xem thần tượng biểu diễn trực tiếp.
Phóng viên đã theo chân những bạn trẻ Việt bay sang Thái Lan dự concert của nhóm nhạc BlackPink trong hai ngày 7-8/1/2023 để giải mã những lý do đằng sau sức hấp dẫn lan rộng của văn hóa đại chúng Hàn Quốc đối với người Việt Nam.
Phượng Lưu cùng với nhóm bạn gồm 10 người là thành viên trong fanclub tại Việt Nam bay từ TP. HCM sang Bangkok chỉ để được tận mắt nhìn thấy thần tượng.
“Chúng tôi đi xem concert kết hợp với du lịch nên sẽ ở Thái bốn ngày. Tiền vé từ 6 – 8 triệu VND, vé máy bay khứ hồi khoảng 4 triệu, tiền ăn ở tại Thái Lan trong bốn ngày khoảng 8 triệu, tổng cộng mỗi người bỏ ra từ 15 – 20 triệu cho chuyến đi này”, Phượng cho biết.
Lý giải về việc này, Phượng nói rằng mọi người trong nhóm đều là fan hâm mộ của nhóm nhạc từ vài năm nay, nên sau đại dịch có thông báo rằng nhóm sẽ biểu diễn tại Thái Lan, tất cả đều để dành tiền cho chuyến đi này.
“Sức hút của không chỉ Blackpink mà cả K-pop là sự đa dạng về visual (phần nhìn). Phong cách thời trang và âm nhạc của họ rất phù hợp với giới trẻ Việt Nam, và một phần họ cũng mang lại giá trị tinh thần rất lớn, từ sân bay cho tới lúc đi chơi ở Thái Lan, đi đâu tôi cũng gặp những fan Việt giống mình và tôi cảm thấy rất vui vì được gắn kết với nhiều người.”
Trong số 85.000 khán giả có mặt trong hai đêm diễn của Blackpink tại Bangkok, có một bộ phận không nhỏ là người Việt, phóng viên BBC nghe thấy tiếng Việt xung quanh mọi lúc mọi nơi. Và cũng không khó để bắt gặp những nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam trong trang phục hồng đen biểu tượng của nhóm nhạc hoà mình cùng những người hâm mộ khác.
Dù không tiết lộ con số cụ thể về số lượng vé được bán ra cho người Việt, nhưng Live Nation Tero Thái Lan, đơn vị tổ chức concert nói Việt Nam là một trong những thị trường mục tiêu của họ.
Và đương nhiên, việc nhiều người mua vé rồi rao bán lại với giá cao hơn giá gốc là không hiếm.
Minh Trần ở TP_HCM cho biết nhóm bạn của mình bị ép giá tới hơn 3 triệu VND so với giá gốc cho một vé đứng ở khu vực gần sân khấu, nên cả nhóm quyết định mua vé rẻ hơn ở xa hơn để được đứng cùng nhau.
Cũng như Phượng Lưu, nhóm bạn năm người của Minh cũng bỏ ra ít nhất 15 triệu VND mỗi người cho chuyến đi này, và không nề hà việc phải xếp hàng cả ngày để được đứng gần thần tượng.
“Tôi từng tham gia concert của các ca sĩ Việt Nam như Trần Thu Hà và Sơn Tùng MTP, nhưng vì ở trong nước nên số tiền bỏ ra ít hơn lần này. Để sang Thái xem Blackpink, chúng tôi phải tiết kiệm tiền trong một khoảng thời gian, và trong hai năm dịch vừa rồi mọi người không được đi du lịch nên số tiền đó cũng là hợp lý”, Minh chia sẻ.
Tạo ra xu hướng
Nói về thần tượng, Minh cho biết mỗi thành viên trong nhóm đều có phong cách tạo ra xu hướng với giới trẻ, nhìn vào ai cũng muốn học theo.
“Thậm chí những người lớn tuổi hơn một chút cũng cảm thấy hứng thú, thích nghe và thích nhìn những phần thể hiện của các nhóm nhạc Hàn Quốc”, Minh nói.
Ông Park Nark Jong, cựu Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng lý do giới trẻ Việt đam mê K-pop xuất phát từ sự tôn trọng đối với ca sĩ thần tượng.
“Họ yêu vẻ ngoài hoàn hảo, màn trình diễn lộng lẫy cũng như khả năng ca hát tuyệt vời của các nhóm nhạc, và trở thành một người hâm mộ vì tôn trọng ca sĩ thần tượng”, ông Park nhận định.
“Những người trẻ tuổi rất tự hào về việc họ nhảy và hát theo các ca khúc K-pop, và dường như họ luôn hạnh phúc trong mọi khoảnh khắc. Ca sĩ K-pop đã trở thành thần tượng của họ. Những người trẻ biết mọi thứ về thần tượng, các thành viên của nhóm nhạc, ngày sinh nhật của họ và các chi tiết cá nhân khác…”
Các sự kiện khi đó đều thu hút một đám đông khổng lồ và tất cả mọi người đều rất phấn khích.
“Đã hơn 10 năm, các ca sĩ thần tượng nổi lên rồi biến mất không biết bao nhiêu lần, nhưng những người hâm mộ Việt Nam vẫn ủng hộ và tôn thờ họ như những vị thần. Thật đáng kinh ngạc”.
“Niềm tự hào châu Á”
Theo ông Park, BTS, Blackpink và hàng loạt các tên tuổi khác không còn là những nghệ sĩ nổi tiếng đến ở châu Á mà đang dẫn đầu xu hướng âm nhạc thịnh hành trên toàn thế giới.
“Đối với người châu Á, những hoạt động và thành tích này khiến chúng ta cùng cảm thấy tự hào. Sự thành công của các ca sĩ K-pop Hàn Quốc đang được đón nhận một cách hân hoan giống như sự thành công của giới trẻ Việt Nam vậy.”
“Tại Việt Nam, những người yêu bóng đá đều dành nhiều sự kính trọng và tự hào cho cầu thủ Son Heung-min đang thi đấu tại giải Ngoại hạng Anh, và dường như ảnh hưởng của anh đối với phong trào bóng đá Việt Nam cũng tương tự như K-pop vậy”, ông Park kết luận.
Bloomberg tháng 11/2020 từng khẳng định Blackpink là nhóm nhạc nữ K-pop số 1 thế giới. Tạp chí TIME vinh danh bốn cô gái là 'Nghệ sĩ giải trí của năm 2022'.
Tại lễ khai mạc World Cup 2022 ở Qatar, màn trình diễn của ca sĩ Jungkook (thuộc nhóm BTS) đã tạo nên cột mốc lịch sử của K-pop khi xuất hiện tại sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh.
Đánh dấu năm hoạt động thứ 10 vào 2023, BTS được kỳ vọng sẽ mang về chiếc cúp Grammy danh giá sau 3 năm liên tiếp được đề cử hạng mục Bộ đôi/nhóm nhạc Pop xuất sắc nhất.
Với những thành công không thể phủ nhận, K-pop đang có một tầm ảnh hưởng không nhỏ trong ngành công nghiệp âm nhạc trên thế giới, vượt qua mọi rào cản văn hóa.
Câu hỏi được đặt ra là với sự đam mê của giới trẻ Việt, khả năng "chịu chi" của các fan hâm một, liệu Việt Nam có trở thành mảnh đất tiềm năng mới cho các buổi K-pop concert lớn thay vì Thái Lan, Singapore như hiện nay?
K-pop và Latin - Vì sao phương Tây đang mê say?
Vào thời điểm Brexit và chính trị thế giới phân cực, một số thứ xảy ra với bảng xếp hạng âm nhạc Anh.
Trong khi các quốc gia Châu Âu khác và Châu Mỹ có truyền thống cởi mở với âm nhạc nước ngoài hơn là âm nhạc trong nước, bảng xếp hạng Anh vẫn khá là bảo thủ với những gì không thuộc về họ.
Và cho đến bây giờ
Sau thành công vang dội thế giới của Despacito dường như đã có - với một chút đóng góp của Justin Bieber - một sự thay đổi lớn.
Kể từ đó, Little Mix, Cardi B và DJ Snake chỉ là một trong số những nhân vật được ghi tên vào bảng xếp hạng, với những bản hit có một phần hoặc hoàn toàn bằng tiếng Tây Ban Nha.
Và không chỉ các ngôi sao Latin, các ca sĩ K-pop cũng đang tham gia vào bảng cạnh tranh - ban nhạc BTS giành một loạt giải thưởng biểu diễn, hai lần đạt được danh hiệu album số một trên bảng xếp hạng Billboard của Mỹ, và bán hết sạch vé chương trình biểu diễn ở sân vận động O2 của London hồi tháng trước.
Kể từ đó, Dua Lipa đã hợp tác với ban nhạc đình đám Hàn Quốc là Blackpink, và Black Eyed Peas hợp tác với nữ ca sĩ K-pop tự xưng là "cô nàng hư hỏng nhất".
Vậy tại sao người Anh bắt đầu cởi mở với âm nhạc nước ngoài?
"Nhìn lại toàn bộ lịch sử, chúng ta thường chỉ xem những bài hát nước ngoài như là hiện tượng nhất thời giống như Las Ketchup," James Masterton, người sáng lập trang web Chart Watch UK, nói.
"Chưa từng bao giờ thực sự có một xu hướng. Julio Iglesias và La Bamba đứng đầu bảng xếp hạng với các bản hit tiếng Tây Ban Nha nhưng họ chỉ luôn được một lần duy nhất."
Bản hit năm 1984 của Nena, 99 Red Balloons, là bản hit bằng tiếng Đức ở Mỹ - nhưng phải dịch sang tiếng Anh trước khi được phát hành tại Anh: "Dường như nước Anh bị coi là quá hẹp hòi cho một bản hit tiếng nước ngoài," Masterton nhận xét.
Vậy điều gì đằng sau sự thay đổi?
Sebastian Krys - nhà sản xuất thu âm từng năm lần đoạt giải Grammy, người đã từng làm việc với Shakira, Luis Fonsi, Gloria Estefan và Ricky Martin - nói rằng công nghệ đóng vai trò quan trọng.
“Tôi nghĩ Spotify và YouTube có rất nhiều việc phải làm với những gì đang diễn ra.”
Trước đây, âm nhạc được lựa chọn và tổ chức bởi các ông chủ trong ngành công nghiệp thu âm, thường thuộc tầng lớp trung lưu, và là những người da trắng trung niên. Và bây giờ nó được lựa chọn bởi quần chúng" Argentina, hiện có trụ sở tại LA, cho biết.
Masterton đồng ý rằng: "Nghệ sĩ không bị hạn chế phát hành những tác phẩm tới một số lãnh thổ nhất định vào những thời điểm nhất định. Với người tiêu dùng thì không có rào cản nào đối với việc tiêu thụ."
Chính sách đồng nhất (one-size-fits-all) vào ngày phát hành nghĩa là chúng ta đang xem âm nhạc được phát hành bằng một thứ ngôn ngữ - thay vì các phiên bản được bản địa hóa cho các thị trường khác nhau.
"Nhưng chúng tôi vẫn thấy rằng, nói chung, để có thành công trên quốc tế, bạn phải có một số ít tiếng Anh," ông nói thêm.
Krys nói rằng di cư văn hóa cũng có tác động: "Có khoảng 15 triệu người nói tiếng Tây Ban Nha ở [Hoa Kỳ]. Mọi thứ về văn hóa bắt đầu dịch chuyển: nó bắt đầu với thức ăn và sau đó là TV và các phương tiện khác.
"Hiện giờ chúng ta có một nữ diễn viên Latin là người được trả cao nhất trên truyền hình Mỹ", anh đề cập đến ngôi sao người Colombia trong chương trình Modern Family, Sofia Vergara.
"Nó thấm vào văn hóa của những gì mọi người cho rằng chúng nên như vậy. Và điều tương tự đang xảy ra với cộng đồng châu Á với [bộ phim] Crazy Rich Asians."
Krys cho biết có một sự khác biệt thực sự giữa những gì đang xảy ra so với sự nghiệp thành công ngoài lĩnh vực của các ngôi sao trước đó: "Vào đầu những năm 2000, bạn có các nghệ sĩ Latin hát những ca khúc nhạc pop bằng tiếng Anh - như Ricky Martin. Họ mang một chút hương vị Latin vào trong bài hát.
"Nhưng giờ đây các nghệ sĩ đang chơi âm nhạc bắt nguồn từ văn hóa Latin - chứ họ đang không phải thỏa hiệp.
"Bây giờ người ta quan tâm nhiều hơn tới những gì người khác và nền văn hóa khác đang có", ông nói.
"Trong một thời gian dài, hầu hết nhạc pop bắt nguồn từ nhạc blues và R 'n' B, nhưng bạn cảm thấy mệt mỏi với những thứ âm nhạc nghe giống nhau. Tôi nghĩ những người mà sáng tạo ra âm nhạc, cho dù là nhạc K-pop hay Latin, đang mang lại cho khán giả một thứ gì đó mới mẻ, nhưng nghe vẫn có vẻ quen thuộc."
Hannah Waitt, người đồng sáng lập trang web moonRok chuyên về tin tức và giải trí K-pop, cho biết sự phổ biến của nhạc Latin là dễ hiểu đối với cộng đồng lớn người di cư nói tiếng Tây Ban Nha trên thế giới - nhưng bà gọi sự nổi lên của âm nhạc Hàn Quốc là "hơi khó hiểu hơn một chút".
Bà cho sự thành công của K-pop là do vay mượn phần lớn nhạc pop của phương Tây, mà theo đó bà nói rằng nó đã được "sản xuất kỹ lưỡng và tái xuất khẩu sang Tây bán cầu với nhiều tiếng Anh hơn hòa trộn vào lời bài hát."
Waitt nói. "Sau Fifth Harmony và One Direction, không ai thực sự có thể thay thế để mang cho chúng tôi một sự năng động nhóm, mà tôi nghĩ rằng những người trẻ tuổi muốn.
"K-pop gần như là lần phục hưng thứ hai của ban nhạc nữ và nam mà khởi đầu là Spice Girls, N'Sync, và Backstreet Boys."
Bà nói các nghệ sĩ Hàn Quốc đã giúp mang đến cho người hâm mộ "sự tiếp cận miễn phí" tới cuộc sống cá nhân của họ thông qua mạng xã hội và các chương trình truyền hình thực tế.
"Trong khi nhiều người nổi tiếng phương Tây cố gắng bảo vệ sự riêng tư của họ, những người nổi tiếng Hàn Quốc cho người hâm mộ vào nhà, trường quay, và thậm chí là cả xe hơi của họ để giúp các fan có cái nhìn gần gũi hơn về cuộc sống thường ngày của họ. Cách tiếp cận này thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn giữa người hâm mộ và nghệ sĩ, dẫn tới sự trung thành tuyệt đối của các fan hâm mộ."
"Các thể loại âm nhạc đang biến mất và ngôn ngữ trở thành hậu trường của âm nhạc", Waitt nói thêm.
Masterton đồng ý về điều này, ông nói: "Với BTS không có sự nhượng bộ thực sự cho tiếng Anh. Thế hệ trẻ không quan tâm ngôn ngữ là gì, nó chỉ là sự rung cảm và cảm giác của cái mà họ thích."
Ông cũng xem đó như một cách cho các nghệ sĩ như Beyonce, người mà nổi tiếng trong Mi Gente cùng với J Balvin và Willy William, để làm mới âm nhạc của họ: "Bất cứ điều gì làm cho đĩa hát của bạn hơi chao đảo và khiến nó có vẻ khác biệt - cũng như làm cho nó hấp dẫn ở nhiều quốc gia khác nhau nhất định là tốt."
Có lẽ đây là lý do thực sự khiến ngành công nghiệp âm nhạc dường như đột nhiên rất háo hức để đón nhận các bản hit song ngữ.
Công ty thu âm nào mà không muốn tiến hành trao đổi văn hóa cùng có lợi - ví dụ, giới thiệu Dua Lipa tới thị trường Hàn Quốc và mang đến dấu ấn ngay lập tức cho cô bằng cách kết hợp với một nghệ sĩ tên tuổi trong nước? Và tương tự như vậy cho Blackpink với thị trường âm nhạc Anh Quốc.
Krys thừa nhận có một yếu tố của việc này, nhưng nói đó không phải là phần quan trọng nhất của sự thay đổi mà chúng ta đang chứng kiến: "Hãy quay lại Julio Iglesias và Willie Nelson - luôn có những người muốn đột phá vào thị trường mới. Nhưng tôi nghĩ những nghệ sĩ trẻ này muốn một thứ âm nhạc mới và muốn cộng tác."
Waitt gọi nó là một cách "hoài nghi" để nhìn nhận mọi thứ, và nói: "Tôi thích xem nó như một cơ hội tuyệt vời cho các nghệ sĩ lớn nhất trên thế giới tạo ra âm nhạc phản ánh thế giới đa ngôn ngữ mà chúng ta đang sống và những gì đang diễn ra với K-pop - chỉ như một một ngọn lửa bùng lên trong chiếc chảo, sẽ xuất hiện rồi biến mất?
Waitt nói rằng: "Mỗi lần tôi nghĩ rằng K-pop sẽ ổn định hay dần biến mất, một nhóm mới xuất hiện và đưa thể loại nhạc này lên một tầm cao mới. Tôi nghĩ K-pop sẽ dừng ở đây - nó sẽ luôn có một lượng fan nòng cốt là những người trẻ chỉ quan tâm đến việc mua vé và phát các bài hát."
Cả ba đều nói rằng họ thấy hiện tượng văn hóa này là một điều tốt.
Krys nói: "Một số người nghĩ rằng các nghệ sĩ đang chiếm đoạt văn hóa, tôi nghĩ thực ra nó mở ra cuộc đối thoại văn hóa.
"Sống ở Mỹ ngay giờ đây, trên hành tinh rất phân cực này, thật kỳ lạ khi thấy những bài hát như Mi Gente và Despacito đứng vị trí số một. Tôi không nghĩ rằng việc có những mô hình văn hóa tích cực như thế này là một điều xấu.
"Chúng tôi không phải là những kẻ hiếp dâm và giết người," ông nhận định, ám chỉ chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Trump. "Chúng tôi là những nhạc sĩ và nghệ sĩ và bác sĩ và là những người bình thường."
Masterton cho rằng điều đó là có lợi khi các nghệ sĩ không phải "làm phai nhạt" văn hóa của họ để được thành công ở một quốc gia khác.
"Và bạn biết gì không," ông nói thêm, "số lượng thiếu niên biết một hoặc hai từ tiếng Hàn cũng có khả năng nhiều hơn so với trước đây - đó chỉ có thể là điều tốt!
***
Vì sao phương Tây đang mê say K-pop và Latin?
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.