Monday, January 9, 2023

Những đứa con phải sống dưới bóng cha mẹ

 BM

Khi Ryan quyết định theo học ngành sư phạm, anh biết rằng cha mình sẽ rất buồn. Làm công tác quản lý giáo dục chuyên với trẻ đặc biệt, Ryan 25 tuổi, sống ở Maryland, Hoa Kỳ, mong muốn giúp đỡ thay đổi cuộc sống cho trẻ em.

 

Cha anh, một bác sĩ nhập cư và thành đạt, lại cho rằng anh cần theo học ngành y. 

Cha của Ryan đã làm việc chăm chỉ để mang đến cho con cái cơ hội ở Mỹ và ông muốn các con tận dụng tối đa cơ hội đó.

 

Trong một thời gian dài, Ryan cho rằng anh sẽ theo gương cha mình. Nhưng khi bắt đầu nghiên cứu khoa học ở trường đại học, anh nhận ra rằng bản thân không hợp với ngành y. Nói cho cha biết việc này thật không dễ gì. “Cha tôi đã cực kỳ thất vọng,” Ryan nói.


BM


Con cái của những người nổi tiếng thường xuất hiện trong tâm trí của mọi người rằng họ sống dưới cái bóng to lớn của cha mẹ mình.

 

Chẳng hạn, ca sĩ Willow Smith, con gái của nghệ sĩ giải trí Will Smith và Jada Pinkett Smith, đã mô tả việc lớn lên bên cạnh các bậc cha mẹ nổi tiếng là “cực kỳ khủng khiếp”.


BM


Diễn viên Colin Hanks, con trai của diễn viên Tom Hanks, cho biết rằng anh đã phải vật vã để được là chính mình. Còn nhà văn Chelsea Clinton, con gái của hai chính trị gia Mỹ Bill và Hillary Clinton, than thở rằng cô đã “suốt ngày bị đem ra làm trò cười khi còn nhỏ” trên các chương trình trò chuyện trên truyền hình.


BM


Nhưng ngoài những đứa trẻ đã có sẵn điều kiện sống hào nhoáng, còn có cả một thế giới của những đứa trẻ như Ryan, mà các bậc cha mẹ không nổi tiếng cũng muốn phủ  bóng lên cuộc đời chúng.

 

Dĩ nhiên, tất cả trẻ em đều chịu sự ảnh hưởng của cha mẹ mình. Trẻ em sớm biết rằng chúng phụ thuộc vào người lớn để tồn tại, theo lời Amy Morin, nhà trị liệu tâm lý ở Florida, Mỹ, người dẫn chương trình The Verywell Mind Podcast và là tác giả của cuốn sách “13 Things Mentally Strong Parents Don't Do” (13 điều các bậc cha mẹ sáng suốt không nên làm).


BM


Do sự dựa dẫm đó mà trẻ em có thể kìm nén các hành vi hoặc đặc điểm tính cách để nhận được “sự chú ý, tình cảm và sự chấp thuận nhiều hơn” từ cha mẹ.

 

Với những đứa trẻ mà cha mẹ chiếm nhiều không gian riêng của chúng, thì ảnh hưởng của những áp lực này - nói ra hoặc không nói ra - có thể còn trầm trọng hơn.

 

Theo các nhà tâm lý học, việc cảm nhận được sức ảnh hưởng của cha mẹ là trải nghiệm phổ biến đối với trẻ em thuộc mọi tầng lớp: giàu có, nổi tiếng, thành đạt và thậm chí cả những em có tính khí phóng khoáng.


BM

Và, theo các chuyên gia, hiệu ứng có thể là rất phong phú. Chẳng hạn, đối với những trẻ em có cha mẹ nổi tiếng, có thể khó phân biệt tính cách của các em.

 

Con cái của các bậc cha mẹ thành đạt có thể không bao giờ cảm thấy mình đủ giỏi giang bất kể kỳ vọng của các em là gì; với những trẻ mà cha mẹ là những bậc thầy xuất chúng, việc phát triển chính mình có thể là một cuộc leo dốc khó khăn.

Lớn lên dưới cái bóng của cha mẹ


BM


Các nhà trị liệu giải thích rằng có rất nhiều cách mà trẻ em có thể lớn lên với cảm giác bị cái bóng của cha mẹ che khuất. Một số trong các trẻ này cảm thấy mình dường như là một phần thêm thắt của cha mẹ hơn là những cá nhân riêng biệt. Kết quả là nhiều người có thể phải đấu tranh để “thực sự tìm được quyền tự quyết, quyền tự chủ và sự toàn vẹn”, Alex Leff, nhà trị liệu tâm lý và chuyên gia về mối quan hệ ở Thành phố New York, cho biết.

 

Con cái của những người nổi tiếng hoặc vô cùng thành đạt có thể cảm thấy như thể chúng sẽ luôn được biết đến với tư cách là con của cha mẹ chúng – mà không phải là chính chúng. “Đó có thể là do cha mẹ thu hút nhiều sự chú ý hơn chúng, bất kể trong tình huống nào,” Morin nói.

 

Trường hợp của Rose, 29 tuổi, là một ví dụ. Lớn lên ở New Zealand, cô thường chứng kiến việc những người lạ nịnh nọt mẹ mình, một người rất nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật ẩm thực của đất nước.


BM


“Người ta chắc chắn sẽ đến gần chúng tôi trong siêu thị hoặc bất cứ nơi nào,” nhà chiến lược thương hiệu hiện đang sống ở Lisbon, Bồ Đào Nha cho biết. Và khi những người lạ phát hiện ra Rose là con ai trong các buổi tiệc ở trường trung học, “họ sẽ trầm trồ, 'Ôi Chúa ơi, ra là mẹ của bạn!”.

 

Rose biết rằng cô cần phải vạch ra con đường của riêng mình. Vì vậy, cô rời New Zealand ngay sau khi tốt nghiệp trung học và du lịch vòng quanh thế giới trước khi vào học đại học ở nước ngoài, ở Úc và Pháp. “Tôi phải rời đi và trải nghiệm cuộc sống của riêng mình một thời gian,” cô nói.

 

Trong những tình huống khác, con cái của những bậc cha mẹ đầy tham vọng có thể nơm nớp nỗi sợ hãi rằng chúng sẽ không đáp ứng được kỳ vọng của mẹ cha, Leff nói, cho dù chúng không bị yêu cầu một cách công khai rằng chúng cần phải làm như vậy.


BM


Cha của Ryan, một bác sĩ ở nơi quê nhà và đã phải vật lộn với các kỳ thi ngoại ngữ để tiếp tục sự nghiệp của mình ở Mỹ, tuyên bố chắc nịch rằng ông muốn con trai mình theo học ngành y.

 

Ryan cho biết điều này đã truyền đạt cho anh một loạt mệnh lệnh cụ thể về con người mà anh cần phải trở thành để xứng đáng với tình cảm và sự tôn trọng của cha.

 

Trong hoàn cảnh đó, Ryan cảm thấy khó đưa ra các quyết định tự chủ, đặc biệt nếu như chúng đi ngược lại mong muốn của người cha thành đạt của anh. “Cha tôi luôn cảm thấy bị tổn thương nếu tôi không đáp ứng được kỳ vọng của ông, như thể tôi phải là hình ảnh phản chiếu chính ông vậy,” Ryan nói.

 

Các bậc cha mẹ không cần phải là những người được công nhận hoặc đặc biệt quý trọng một cách rộng rãi để trẻ cảm thấy như thể chúng đang sống dựa hơi họ. 


Trong một số trường hợp, cha mẹ có tính cách mạnh mẽ và phức tạp có thể đe dọa sự xuất hiện khuynh hướng riêng của con họ.


BM


Những người hướng ngoại hoặc độc đoán có thể khiến cho con cái của họ cảm thấy cần phải bắt chước một đặc điểm tính cách cụ thể của họ một cách vô thức, Morin cho biết. Chẳng hạn, “cha mẹ có chức vị cao trong xã hội có thể dạy con họ rằng chúng cũng cần phải thành đạt.”

 

Điều này đồng điệu với trải nghiệm của Ali, một chủ doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực thực phẩm 29 tuổi sống ở Philadelphia, Hoa Kỳ, người nhớ lại cảm giác áp lực phải tỏ ra vui vẻ và hướng ngoại giống mẹ mình.

 

Khi lớn lên, mẹ cô rất hòa đồng cởi mở và không ngừng tìm kiếm những cuộc phiêu lưu; bà thường xuyên đi du lịch, đến các buổi hòa nhạc và thường xuyên tiếp đón bạn bè.

 

Ali, một đứa trẻ nhút nhát, nói rằng thật khó để khám phá bản chất thật của con người mình trong vầng hào quang của mẹ cô. Và bởi vì dường như mẹ cô luôn “theo đuổi hết hình tượng này đến thành tích kia”, Ali cảm thấy như thể cô cần phải diễn kịch để thu hút sự chú ý và chấp thuận của mẹ mình.

 

'Tôi muốn mọi người biết rằng tôi không chỉ được trao mỗi một sứ mệnh làm con ngoan của cha mẹ mà thôi'


BM


Những đứa trẻ bị cha mẹ phủ bóng khi lớn lên có thể phải đối mặt với nhiều thách thức khi trưởng thành, Leff, người làm việc với không ít con cái của những người nổi tiếng hoặc có ảnh hưởng xã hội, cho biết. Bà nhận thấy rằng các khách hàng của mình thường hướng đến sự cầu toàn, âu lo và đạt thành tích cao để vượt qua một dạng thức bất mãn không rõ nét trong cuộc sống của họ.

 

Ali, người điều hành một công ty khởi nghiệp về thực phẩm, nhận thức rõ về tham vọng của mình. Sản phẩm của công ty cô có mặt trên kệ của các cửa hàng tạp hóa trên khắp Hoa Kỳ và doanh nghiệp gần đây đã được giới thiệu trên chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng Shark Tank.

 

Ngoài việc xây dựng một doanh nghiệp, cô còn là người có ảnh hưởng trong lĩnh vực thực phẩm và chăm sóc sức khỏe. Ấy vậy mà sau nhiều năm cố gắng thu hút sự chú ý của mẹ mình, Ali nghi ngờ rằng “sự nghiệp hiện tại của cô chưa bao giờ đủ làm hài lòng cha mẹ”.


BM


Tương tự như vậy, con cái của những bậc cha mẹ thành đạt cũng có thể cảm thấy áp lực phải làm việc chăm chỉ hơn để đạt được thành công, Morin nói. Điều này đặc biệt đúng đối với những người có cha mẹ nổi tiếng hoặc có uy tín đặc biệt trong cùng lĩnh vực.

 

Rose là một trong những trường hợp như vậy. Cô luôn muốn trở thành một đầu bếp, nhưng ban đầu cô không chịu cộng tác với mẹ mình, người làm việc trong ngành thực phẩm, mà chọn cách làm việc một mình để tạo dựng thành công của riêng mình trước.

 

Cuối cùng, Rose cảm thấy rằng bản thân đã bỏ phí cơ hội và hai mẹ con cô đã cùng nhau thực hiện một dự án vào năm 2018. Tuy nhiên, Rose đã cố gắng trở thành người số một trong công việc và xử lý hầu hết các công việc hậu cần. “Tôi đã nỗ lực 400% vì tôi muốn mọi người trong nhóm biết rằng tôi có được các thứ không chỉ nhờ vào mẹ mình,” cô nói. “Tôi nghĩ tôi cũng cần phải chứng minh tôi tự làm nên.”


Những đứa trẻ dựa hơi vào các bậc cha mẹ độc đoán của chúng khi lớn lên về sau có thể cố gắng bắt chước thành công của mẹ cha để được chấp thuận.


BM


Một cuộc khảo sát năm 2021 của một nền tảng tuyển dụng toàn cầu Joblist cho thấy 65% số người được hỏi đã chọn ngành hoặc nghề mà họ cảm thấy cha mẹ muốn họ làm.

 

Dù ngấm ngầm hay công khai, Leff nói, kiểu áp lực đó của cha mẹ “có thể dẫn đến những thách thức đối với một đứa trẻ trưởng thành thực sự lựa chọn từ thâm tâm chúng những gì chúng thích hoặc mong muốn”. Điều này không chỉ liên quan đến con đường sự nghiệp mà còn liên quan đến “các mối quan hệ và thể diện”.

 

Những người khác phản ứng theo những cách trái ngược, hoàn toàn chống lại mong muốn của cha mẹ họ, Leff nói thêm. Cô nhận thấy một “xu hướng thực sự từ chối hình mẫu thành đạt được biểu hiện”, có lẽ do uất ức hoặc như một cách khác để phát triển “một bản sắc riêng biệt với cha mẹ nổi tiếng hoặc thành đạt của họ”.

 

Trong trường hợp của Ryan, anh đã dần dần phá vỡ sự kỳ vọng của cha mình. Anh quyết định học nghề giáo thay vì học y sau khi tốt nghiệp trung học, rồi sau đó bước vào một mối quan hệ mà gia đình anh cho là không phù hợp. Dần dần, anh đi đến chấp nhận cách mình được dạy dỗ.


BM


“Tôi [nhận ra rằng] tôi không muốn giống cha chút nào,” Ryan nói. Tuy vậy, anh thừa nhận rằng một phần trong anh khao khát được cha mình khâm phục.

 

“Tôi thực sự đang cố gắng hết sức để không để điều đó ảnh hưởng đến các quyết định của mình,” anh nói, đặc biệt là về những bước chuyển nghề nghiệp trong tương lai.

 

Ưu điểm của những hình mẫu mạnh mẽ


BM


Lớn lên trong hào quang choáng ngợp của cha mẹ có khả năng làm phát sinh các vấn đề về sau trong cuộc sống – nhưng trải nghiệm này cũng có thể hữu ích. Nó có thể mô hình hóa những cách sống đầy cảm hứng, tạo ra những cơ hội nghề nghiệp hiếm có và giúp một đứa trẻ xác định giá trị của bản thân.

 

Có khả năng học hỏi từ cha mẹ thành đạt là điều hữu ích cho bất kỳ ai, Leff nói. Và việc chứng kiến cha mẹ gặt hái những thắng lợi trong sự nghiệp giúp cho một số trẻ phát triển được sự tự tin, Morin cho biết thêm.

 

Điều này cũng có thể đi kèm với một số đặc quyền hữu hình. Chẳng hạn, việc khi sinh ra đã giàu có - như trường hợp con cái của những người nổi tiếng và hết sức thành đạt thường như vậy – mang lại cho trẻ em ở Mỹ nhiều khả năng thành công hơn ở tuổi trưởng thành hơn là khi còn đi học, theo một phúc trình năm 2019 của Đại học Georgetown.


BM


Một nghiên cứu năm 2015 của Trường Kinh doanh Harvard cho thấy con gái của những người mẹ đi làm cũng có nhiều khả năng đảm nhiệm vai trò giám sát hơn. Và dĩ nhiên là trong nhiều thế kỷ con cái của những bậc cha mẹ thành đạt đã được họ hỗ trợ - trong một số trường hợp kế thừa sự nghiệp của họ và, trong những trường hợp khác, có được các mối quan hệ trong ngành. Điều này hiện nay vẫn vậy, giống như trong quá khứ.

 

Giờ đây, Rose thấy được làm việc bên cạnh mẹ mình là một đặc ân to lớn. “Mẹ tôi có rất nhiều kiến thức và rất nhiều kỹ năng mà tôi không có và điều đó chỉ có thể được tích lũy nhờ quá trình làm việc cả đời,” cô nói. Điều này cũng mở ra những cánh cửa. “Bạn sẽ thật ngây thơ nếu không nghĩ như vậy,” Rose nói.

 

Với những đứa trẻ trưởng thành khác, khám phá những khía cạnh trong cuộc sống của cha mẹ mà dường như không mong muốn cũng có thể hữu ích trong việc xác định giá trị của chính chúng, Morin nói. Sau khi quan sát mẹ mình luôn là tâm điểm chú ý của nhiều người, Rose đã chọn cách trở thành một người rất kín đáo; sự nổi tiếng không phải là thứ cô mong muốn cho bản thân.

 

Và Ryan, người trực tiếp trải nghiệm những quan điểm mạnh mẽ của cha mình, trở nên cẩn thận để không áp đặt quan điểm của mình lên người khác. “Tôi cố gắng không phán xét những người tôi yêu thương,” anh nói.

 

“Hiện mẹ con tôi đang cùng tận hưởng bầu không khí tràn ngập thương yêu”


BM


Với nhiều người, dấu ấn của cha mẹ có thể theo họ suốt đời. Bất kể những lựa chọn trong cuộc sống mà họ đưa ra, điều đó có thể khó lay chuyển.

 

Nhưng những người khác thì có thể thoát ra khỏi cái bóng của cha mẹ, Leff nói. Tuy nhiên, điều này có thể cần đến nỗ lực của người con: người này có thể cần tạo không gian để phát triển bản thân khi không có cha mẹ hoặc có can đảm để chia sẻ và xử lý cảm xúc của mình một cách trực tiếp.

 

Với sự giúp đỡ của một nhà trị liệu, Ali đã có thể kể lại những trải nghiệm thời thơ ấu của mình cho mẹ mà không đổ lỗi.


BM


“Đó là một cuộc trò chuyện thực sự thú vị, bởi vì cả hai chúng tôi đều rất cởi mở về mọi thứ,” cô nói. Giờ đây, Ali luôn giữ trong mình tinh thần hoạt bát của mẹ cô. Nó nhắc nhở cô ưu tiên nhiều hơn cho những niềm vui và hoạt động tích cực trong cuộc sống của chính mình - đặc biệt là khi xây dựng một doanh nghiệp.

 

Từ Bồ Đào Nha, Rose và mẹ cô, đang sống ở New Zealand, thường trò chuyện về giá trị mà mỗi người mang lại cho một dự án. Hai người đảm bảo sự công nhận lẫn nhau với tư cách cá nhân. “Tôi cảm thấy khá tự tin vào kỹ năng của mình,” Rose nói. “Hiện mẹ con tôi đang tận hưởng bầu không khí tràn ngập yêu thương.”

 

Tuy nhiên, với Ryan thì tình hình vẫn còn căng thẳng. Anh có cảm giác dường như cha mình tiếp tục không chấp thuận nghề nghiệp và mối quan hệ của anh, dù ngấm ngầm chứ không công khai. Hạn chế thời gian ở bên ông là cách tốt nhất để Ryan tránh khỏi suy nghĩ độc đoán của cha mình. “Cũng hơi khó xử”, anh nói. “Nhưng tôi nghĩ là hiện giờ tình hình đã khả quan hơn.”

 

*Tên họ của Ryan, Rose và Ali được giữ kín để đảm bảo quyền riêng tư của họ và gia đình.




No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.