Dân gian tương truyền về chiếc cân đòn truyền thống Trung Hoa có 16 vạch khắc, mỗi một khắc tương ứng với một chòm sao, như chòm sao Bắc Đẩu hay còn gọi là Thất Tinh Bắc Đẩu, Nam Đẩu (Nam Đẩu Lục Tinh), và ba vị thần là Phúc, Lộc, và Thọ.
Vạch khắc nhất định phải là màu trắng hoặc màu vàng, không được dùng màu đen hàm ý rằng người kinh doanh buôn bán cần phải có đức tính thật thà và chính trực.
Nếu người bán cân thiếu cho khách, như thiếu một lạng (một đơn vị đo lường truyền thống của Trung Hoa) thì gọi là “tổn Phúc”, cân thiếu hai lạng thì gọi là “tổn Lộc”, và thiếu đến ba lạng thì gọi là “tổn Thọ.”
Dưới đây là hai câu chuyện về chiếc cân đòn thời Trung Hoa cổ xưa.
Con trai chuộc tội cho người cha gian dối
Triều đại nhà Minh, ở thành Dương Châu có một ông chủ tiệm tạp hóa, ông có một người con trai và hai người cháu nội. Gia cảnh nhà ông rất giàu có, sung túc. Khi lâm chung nằm trên giường bệnh, ông đã đưa cho con trai xem một chiếc cân đòn và dặn dò rằng: “Đây chính là bí quyết giúp cha phát đạt. Ta đã đổ đầy thủy ngân vào trong cán cân nhằm đánh lừa cân nặng hàng hóa với tất cả khách hàng của mình. Đó chính là cách giúp ta tích lũy được rất nhiều của cải. Con phải biết khôn khéo tận dụng tốt chiếc cân đòn này.”
Người con trai nghe xong không khỏi kinh ngạc, có nằm mơ anh cũng không ngờ cha mình lại bán rẻ lương tâm đến vậy.
Sau khi người cha qua đời, anh đã đem đốt bỏ chiếc cân đòn này.
Để chuộc lại những tội lỗi khi sinh thời của người cha, người con trai đã dốc lòng cứu tế người nghèo khó, tích đức hành thiện. Cứ như vậy trong vòng chưa đầy ba năm, gia sản của gia đình cũng tiêu tán đi phân nửa, nhưng anh không một lời ca thán.
Tuy nhiên, khi chứng kiến cảnh hai người con trai của mình lần lượt qua đời khi tuổi đời còn quá nhỏ, anh đã vô cùng suy sụp. Vì không thể tìm ra nguyên dân dẫn đến sự bất hạnh này, nên anh đã oán trách đổ lỗi cho ông Trời và cảm thấy mình bị đối xử bất công, hành thiện mà không được hồi đáp.
Vào một đêm nọ, anh nằm mơ thấy một vị phán quan dưới âm phủ giảng giải về trường hợp gia đình của mình. Vị phán quan này nói: “Cha ngươi làm ăn phát đạt giàu có là thiện quả của việc hành thiện tích đức mà ông ta đã làm trong đời trước. Tài phú của mỗi người đều đã được định rõ từ trước rồi. Chiếc đòn cân có chứa thủy ngân kia không phải là thứ giúp cho cha của ngươi trở nên giàu có. Tuy nhiên, vì để lừa gạt chiếm đoạt của cải của người khác mà ông ta đã tạo rất nhiều tội nghiệp. Hiện giờ, ông ta đang phải chịu hình phạt trong địa ngục rồi.”
“Tội lỗi của ông ta cũng ít nhiều ảnh hưởng đến ngươi. Kỳ thực, hai người con trai của ngươi là do ông Trời phái xuống để hủy hoại gia nghiệp của ngươi. Ngươi sẽ không chỉ kiếm không đủ no, mà còn bị đoản mệnh.”
“Cha ngươi nghĩ rằng, với khối gia sản kếch xù của mình, ông ta có thể bảo đảm một cuộc sống sung túc cho con cháu. Tuy nhiên, ông ta không biết rằng, con trai thì sẽ đoản mệnh, còn các cháu trai thì tiêu tán hết gia sản.”
“May thay, ngươi lại có bản tính lương thiện, và đã làm rất nhiều việc thiện để bù đắp tội nghiệp cho cha mình. Ta phụng mệnh của Ngọc Hoàng Thượng Đế đến đón hai tên phá gia chi tử của ngươi đi. Không bao lâu nữa, ngươi sẽ sớm có một hiếu tử làm rạng danh dòng họ, đồng thời được kéo dài thêm tuổi thọ. Ngươi hãy tiếp tục tích đức hành thiện và chớ có oán trách Thiên Thượng hay ông Trời đã đối xử bất công với mình.”
Chiếc cân đòn này là một phát minh hàm chứa trí tuệ vĩ đại, nó không đơn thuần là một dụng cụ đo lường mà còn là một lời cảnh tỉnh cho những người làm ăn buôn bán không nên cân gian bán dối, nếu không thì chẳng khác nào đang làm hại chính mình. Đồng thời, chiếc cân đòn này cũng có thể tôn vinh đức tính trung thực của con người.
‘Khi bạn trung thực, bạn sẽ không tổn thất điều gì’
“Tỉnh Thế Hằng Ngôn” (Câu Chuyện Đánh Thức Thế Giới), một quyển sách của tác giả Phùng Mộng Long được xuất bản vào năm 1627, có viết như sau: “Hà khắc không kiếm ra tiền, trung hậu không mất tiền” (Khi bạn ích kỷ, bạn không kiếm được tiền. Khi bạn trung thực, bạn không phải mất thứ gì)
Trong những năm đầu thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, có hai cửa tiệm bán gạo, một hiệu buôn là Vĩnh Xuyên, còn hiệu kia là Phong Dụ. Vào thời buổi loạn lạc, ông chủ tiệm gạo Phong Dụ bèn chớp lấy thời cơ để chuộc lợi. Ông đã mời một bậc thầy làm cân đòn đến tiệm để bàn chuyện riêng: “Phiền thầy làm cho tôi một chiếc cân đòn, sao cho định lượng 1 cân là 15 lạng rưỡi, thay vì 16 lạng như trước, tôi sẽ trả thêm cho thầy một xâu tiền.”
Nàng dâu mới được gả đến tình cờ nghe thấy câu chuyện của cha chồng. Nàng suy nghĩ đắn đo một hồi lâu. Sau khi cha chồng rời đi, nàng đã nói chuyện với người thợ làm cân đòn rằng: “Cha tôi già rồi nên chắc có chút lẩm cẩm, phiền thầy hãy làm chiếc cân 16 lạng rưỡi thay vì 16 lạng như trước nhé, tôi sẽ gửi ngài thêm hai xâu tiền. Nhưng mà ngài không được nói chuyện này với cha tôi nhé.”
Người thợ tức khắc làm ngay chiếc cân đòn 16 lạng rưỡi đúng như lời hứa với người con dâu và không tiết lộ với ông chủ về trọng lượng thật của chiếc cân này. Ông chủ rất tin tưởng tay nghề của người thợ làm cân và bắt đầu sử dụng chiếc cân đòn đó mỗi ngày.
Một thời gian sau, sự nghiệp buôn bán của ông chủ tiệm Phong Dụ ngày càng phát đạt. Ngay cả những mối quen của tiệm gạo Vĩnh Xuyên cũng bắt đầu đến mua gạo của tiệm Phong Dụ. Thời gian dần trôi, những người dân sinh sống ở vùng xa xôi cũng tìm đến tiệm Phong Dụ để mua gạo. Vào cuối năm đó, ông chủ tiệm Phong Dụ đã kiếm được rất nhiều tiền. Cuối cùng, ông chủ tiệm Vĩnh Xuyên đã phải bán lại tiệm gạo của mình cho ông chủ tiệm Phong Dụ.
Trong bữa cơm đoàn viên đêm giao thừa, ông chủ tiệm Phong Dụ lòng đầy hứng khởi, bèn đặt ra một câu đố cho các thành viên trong gia đình: “Ta đố mọi người biết bí quyết thành công của nhà chúng ta là gì?” Vấn đề này đã làm dấy lên một cuộc thảo luận.
Sau đó, ông chủ tiệm gạo cười khúc khích nói: “Đáp án nằm bên trong chiếc cân này. Thật ra nó là một chiếc cân 15 lạng rưỡi, vậy thì cứ mỗi cân gạo được bán ra, ta đã lời thêm được nửa lạng. Đó là cách giúp chúng ta trở nên giàu có”. Ông kể cho gia đình mình nghe về việc ông đã mua chuộc người thợ làm cân như thế nào.
Khi đó, người con dâu của ông từ từ đứng dậy khỏi chỗ ngồi và thưa chuyện với cha chồng rằng, “Thưa cha, có một chuyện con cần phải thưa lại với cha, nhưng con mong cha hứa sẽ tha thứ cho con.” Nghe vậy, ông Phong Dụ liền chấp thuận. Lúc này nàng dâu mới tiếp tục kể cho ông nghe về việc chiếc cân đòn đã trở thành 16 lạng rưỡi như thế nào.
Nàng bộc bạch: “Cha đã đúng, thưa cha. Đúng là chiếc cân này đã mang đến của cải cho gia đình chúng ta. Nhưng, với chiếc cân này của gia đình mình, mỗi 1 cân gạo bán ra không phải là 16 lạng, mà luôn luôn là 16 lạng rưỡi. Nhìn bề ngoài có vẻ như mỗi 1 cân gạo chúng ta lãi ít đi một chút, tuy nhiên lượng gạo bán ra càng nhiều thì lợi tức sẽ càng tăng. Chính nhờ sự trung thực và chính trực của chúng ta đã mang đến tài phú cho nhà mình.”
Ông chủ Phong Dụ không thể tin vào những điều con dâu vừa kể, nhưng sau một hồi kiểm tra thì quả thực 1 cân là 16 lạng rưỡi. Ông không nói nên lời, rồi lẳng lặng đi vào phòng của mình.
Sáng ngày hôm sau, cũng là sáng mùng một Tết, ông chủ tiệm gạo họp mặt cả nhà và tuyên bố: “Ta già cả rồi, sau khi cân nhắc kỹ càng, ta quyết định giao lại công việc buôn bán cho con dâu mới của ta. Từ nay trở đi, con dâu sẽ gánh vác sự nghiệp buôn bán của gia đình mình.”
Sally Appert _ Hoàng Long
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.