Làm thế nào để tránh khỏi cạm bẫy của dục vọng.
Tôi luôn yêu thích việc mua sắm. Rất thích. Tôi có thể dành cả ngày thứ Bảy đi dạo hết cửa hàng này đến cửa hàng khác không ngừng nghỉ. Thực tế là, một số những ký ức gần đây nhất của tôi là [được] vui vẻ đi mua sắm cả ngày với Bà Wittebort ở khu thương mại Morgantown, West Virginia.
Đó là thói quen thâm căn cố đế.
Macy’s, Dillards, Pottery Barn, Banana Republic, J.Crew – tất cả những cửa hàng đó là nơi tôi thường ghé thăm. Thực ra, tôi từng mua sắm ở Anthropologie thường xuyên đến nỗi những cô bán hàng [luôn] chào hỏi tôi bằng tên riêng, khiến chồng tôi phải kinh ngạc nhướn mày trong một dịp hiếm hoi anh ấy đi cùng tôi.
Khi chồng tôi hỏi tôi sẽ đi đâu vào những buổi sáng cuối tuần, tôi như thường lệ trả lời rằng: “[Em sẽ] ra ngoài đi mua sắm.” Tôi thường không cố ý khiến việc mua sắm chiếm phần lớn thời gian một ngày của tôi, nhưng nó thường diễn ra như vậy.
Trong công cuộc tìm kiếm xu hướng thời trang hay đồ trang trí nội thất mới nhất của tôi, đôi khi tôi đã tiêu xài nhiều tiền hơn ngân sách của mình cho phép, và tôi chắc chắn đã tốn nhiều thời gian hơn thời gian biểu đã lên kế hoạch của mình. Kết quả là, tôi thường phải tìm thời gian để hoàn trả những thứ không phù hợp [với mình] hoặc trở thành nạn nhân của sự hối hận sau khi mua hàng. Niềm vui khi mua được nhiều thứ hơn dường như luôn là ngắn ngủi, và đôi khi dẫn đến sự hối hận.
Tuy vậy, tôi vẫn tin rằng một khi tôi có chiếc áo thun mới mà tôi nhất định “phải có” từ cửa hàng Anthropologie, niềm khát khao [mua sắm của tôi] sẽ nguội lạnh, và tôi sẽ không muốn mua gì nữa trong khoảng thời gian tới. Nhưng điều đó dường như không bao giờ xảy ra. Càng mua nhiều thì tôi dường như càng truy cầu mua sắm nhiều hơn nữa.
Ham muốn mua sắm nhiều hơn của tôi như thể là một cái hố sâu vô độ và không đáy.
Một số những thứ cần thiết
Vật chất. Những món đồ. Của cải sở hữu. Đó là những nền tảng xây dựng nên nền kinh tế của chúng ta – mua và bán những vật phẩm và dịch vụ.
Điều đó tự nó không có gì sai. Tôi dám nói rằng nền kinh tế thị trường tự do – cùng với tầm nhìn và những giá trị tạo ra nó – đã sản sinh ra một trong những quốc gia vĩ đại nhất trên trái đất, một quốc gia cho phép mỗi người chúng ta theo đuổi [những] năng lực tiềm tàng của mình.
Có một số thứ nhất định chúng ta cần phải mua để duy trì sự sống của mình, như là [một nơi] trú ngụ, quần áo, và thức ăn. Tuy nhiên, như con trai tôi đã được học ở trường rằng, chúng ta có nhu cầu, và chúng ta có ham muốn. [Trong thế giới] ngày nay, hai điều này dường như đang bị lẫn lộn với nhau.
Đừng hiểu sai ý tôi. Tôi không khuyến khích mọi người chỉ sống với những nhu cầu cuộc sống đơn giản nhất và không có ham muốn nào cả. Khi chúng ta mất cân bằng và trở nên quá chú trọng vào ham muốn có được nhiều hơn, điều đó có thể trở thành một vấn đề.
Nguy hiểm của việc mãi truy cầu nhiều hơn
“Chúng ta không hạnh phúc khi chúng ta không hài lòng với những gì mình có và muốn có được nhiều hơn,” nhà tâm lý học Steve Taylor, người có học vị tiến sĩ, đã nói trong bài viết của ông trên trang Psychology Today như vậy.
Theo Taylor, khi chúng ta cảm thấy chúng ta cần mua nhiều hơn, tiêu xài nhiều hơn, có một chiếc xe tốt hơn hay một ngôi nhà lớn hơn, hoặc khi chúng ta nhận định rằng công việc của mình hay bạn đời của mình không đủ tốt, thì đó là chúng ta đang tạo ra sự bất hạnh cho chính mình. Ham muốn nhiều hơn tạo ra sự bất mãn với cuộc sống của chính chúng ta và thường dẫn đến sự bực bội khó chịu khi chúng ta không thể thỏa mãn được những ham muốn của mình.
Ham muốn nhiều hơn có thể khiến chúng ta cảm thấy ghen tị, oán hận, nóng giận, buồn phiền thất vọng, và lo lắng bất an. Nó có thể khiến chúng ta tin rằng cuộc đời thật bất công. Nó cũng có thể dẫn chúng ta đến lòng tham, mong muốn vượt trội hơn những người khác, và sự suy đồi đạo đức. Ham muốn nhiều hơn có thể khiến ta hãm hại những người khác, tranh đấu cho những gì không thực sự thuộc về chúng ta, và hành động một cách bốc đồng. Nó cũng khiến ta chấp trước mạnh mẽ vào những của cải vật chất [mình được] sở hữu. Văn hóa quyền lợi đang thống trị [trong xã hội] ngày nay được sinh ra từ lối suy nghĩ này.
Trong Phật giáo, một trong những mục tiêu chủ yếu là trừ bỏ ham muốn, thứ được giảng là gốc rễ của tất cả mọi khổ đau của con người. Họ giảng rằng khi một người có thể làm được điều này, anh ta sẽ ngộ ra được chân lý của vũ trụ.
Kinh Thánh cũng cảnh báo [người ta] về những nguy hiểm của việc ham muốn nhiều hơn.
“Và ông ấy nói họ, ‘Hãy cẩn thận, và đề phòng mọi sự ham muốn, vì cuộc sống của một người không dựa trên sự dư dật tài sản của họ,’” — Luke 12:15.
Tuy vậy, chúng ta vẫn muốn có được nhiều hơn. Một cuộc thăm dò ý kiến đã phát hiện rằng một phụ nữ bình thường tốn gần 400 giờ đồng hồ mỗi năm để mua sắm, chiếm khoảng 8.5 năm cuộc đời của cô ấy. Nhưng đa số chúng ta chỉ mặc 20% số quần áo của mình trong suốt 80% số thời gian.
Để có được nhiều thứ hơn chúng ta cần có nhiều thời gian, sự nỗ lực và tiền bạc hơn. Nó khiến gia đình cũng như tâm trí của chúng ta trở nên bộn bề hơn, và thậm chí còn có thể khiến những mối quan hệ của ta trở nên phức tạp.
Vậy điều gì khiến chúng ta muốn có được nhiều hơn?
Hãy xem xét về khía cạnh Tâm lý học
Hãy nghĩ về chiếc áo thun mới hoặc chiếc điện thoại di động mới. Ban đầu, chúng thật thú vị, [nhưng] không lâu sau niềm vui và sự phấn khích đó sẽ biến mất.
Các nhà tâm lý học gọi điều này là sự quen nhờn. Thứ mới mẻ mà chúng ta từng khao khát có được đã mất đi ánh hào quang của nó khi chúng ta trở nên thân quen với việc có được nó. Rồi chúng ta lại khao khát thứ mới mẻ tiếp theo, trong một vòng quay hình xoắn ốc đi xuống vô tận.
Việc thỏa mãn những ham muốn của chúng ta đưa đến nhiều ham muốn hơn nữa. Chúng ta có thể tin rằng một ngày nào đó, chúng ta có thể cảm thấy mãn nguyện, nhưng điều này hiếm khi xảy ra, bởi vì sự mãn nguyện chân chính không bắt nguồn từ dục vọng.
Tôi biết quá rõ tất cả những điều này.
Nền văn hóa tiêu thụ của chúng ta [hiện nay] nói với ta rằng ta không nên chỉ muốn nhiều hơn, mà ta còn cần nhiều hơn. Thế giới quảng cáo đặc biệt chú trọng vào việc giúp tạo ra nền văn hóa này. Một bài viết trên trang Science Daily chỉ ra rằng ở thời điểm hiện tại, thậm chí cả sự hoài cổ cũng được tận dụng để đạt được điều này. Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, sự hoài cổ được coi như một căn bệnh. Ngày nay, nó được sử dụng như một công cụ tâm lý đầy sức mạnh, cho chúng ta một lý do khác để truy cầu hoặc níu giữ những món đồ. Các nhà bán lẻ và nhà quảng cáo sử dụng điều này và những mánh khóe khôn ngoan khác, ví dụ như tạo ra cảm giác cấp bách, khan hiếm, hay mời chào một món hời “khó cưỡng”, để buộc chúng ta phải mua nhiều hơn.
Và họ có được sự trợ giúp từ những cạm bẫy tinh thần của chính chúng ta.
Tác giả James Clear, nhà sáng lập của The Habits Academy, đã viết về một trong những cạm bẫy này. Đó là một hiện tượng được gọi là Hiệu ứng Diderot.
Denis Diderot là một triết gia người Pháp đã có một cuộc sống rất chật vật vào những năm 1700. Khi Nữ hoàng Catherine Đại đế của nước Nga trợ giúp ông thoát khỏi tình hình tài chính khốn cùng, Diderot đã dùng một số tài sản mới kiếm được của mình để mua một chiếc áo choàng đỏ tươi tuyệt đẹp. Nhưng niềm vui của ông thật ngắn ngủi. Khi nhìn vào những món đồ khác của ông, chúng trông thật nhợt nhạt khi so sánh với vẻ đẹp của chiếc áo choàng mới. Ông nhanh chóng trở nên không còn hài lòng với những gì mình có và khao khát muốn mua thêm nhiều món đồ tốt khác. Ông phát hiện ra rằng ông không thể thỏa mãn được dục vọng vô tận của mình.
Clear cho rằng, “Hiệu ứng Diderot cho thấy rằng việc nhận được một tài sản mới thường tạo ra một vòng xoáy ốc của sự tiêu thụ, khiến bạn muốn có được nhiều món đồ mới hơn nữa. Kết quả là cuối cùng chúng ta lại mua những thứ mà bản thân ta trước đây không cần đến, để [ta có thể] cảm thấy vui vẻ hoặc thỏa mãn”.
Chúng ta mua sắm vì nhiều lý do (hãy nghĩ đến “liệu pháp bán lẻ” với những lý do này): niềm tin rằng việc mua sắm sẽ khiến ta cảm thấy hạnh phúc hoặc an toàn, giống như một cơ chế đối phó cảm xúc hoặc một phương tiện để trốn tránh, hoặc vì đạt được nhiều thứ thường có tác dụng gần giống như một loại thuốc gây nghiện. Một số người mua nhiều hơn vì để cạnh tranh với những người khác và [vì họ] lo lắng về địa vị, danh tiếng, và hình ảnh của mình.
Trong khóa đào tạo y khoa của tôi, một bác sĩ sắp về hưu đã chia sẻ rằng ông ước mình đã giữ lại ngôi nhà mà vợ ông và ông đã mua ban đầu. Ông nói rằng nó là một ngôi nhà hoàn toàn tốt, và số tiền vay nợ để mua ngôi nhà đó sẽ được trả hết ở hiện tại. Tuy nhiên, khi thấy những người bạn của họ “nâng cấp” lên những ngôi nhà to hơn và tốt hơn trong nhiều năm, họ cảm thấy [họ cũng] cần làm tương tự như vậy. Giờ thì ông sẽ nghỉ hưu với gánh nặng của một khoản thế chấp lớn.
Nói theo cách của Diderot: “Hãy để tấm gương của tôi dạy cho bạn một bài học. Sự nghèo nàn thiếu thốn có những tự do của nó; [và] sự giàu sang xa xỉ có những chướng ngại của nó.”
Tác động lên sức khỏe
Truy cầu ít hơn mang đến cảm giác mãn nguyện, sự hài lòng với những gì chúng ta có. Nó gợi lên sự trân trọng đối với hiện tại và là một nhân tố quan trọng dẫn đến hạnh phúc. Ngược lại, ham muốn được nhiều hơn có thể mang đến cảm giác bất mãn, một trạng thái tinh thần cuối cùng có thể dẫn đến sức khỏe sa sút.
Một nghiên cứu trong các học sinh tuổi teen cho thấy rằng những em chú trọng vào chủ nghĩa vật chất – đặt nặng vấn đề sở hữu nhiều thứ – thì có những trải nghiệm về sự ghen tị, thất vọng chán nản, và lo lắng bất an, cũng như suy giảm điểm số [ở trường] và sự hài lòng với cuộc sống nói chung. [Còn] những em chú trọng vào lòng biết ơn thì trải nghiệm những điều ngược lại, cho ra những kết quả tích cực.
Vài nghiên cứu [khác] đã cho thấy rằng sức khỏe của con người được cải thiện khi họ ít bận tâm đến những mục tiêu và giá trị vật chất hơn. Trong khi đó, những mục tiêu về vật chất [thường] liên quan đến sức khỏe yếu đi theo thời gian.
Trong cuốn sách “Cái giá phải trả của chủ nghĩa vật chất”, nhà tâm lý học Tim Kasser đã viết rằng: “Những người đặt nặng việc tích lũy của cải vật chất sẽ đối mặt với nguy cơ bất hạnh lớn hơn, bao gồm lo lắng, chán nản, tự ti, và những vấn đề liên quan đến tình thân – bất kể tuổi tác, thu nhập, hay văn hóa.”
Lo lắng và chán nản thường dẫn đến sức khỏe tinh thần kém, điều này có thể làm suy yếu sức khỏe thể chất và biểu hiện bằng những bệnh như cao huyết áp, bệnh tim mạch, và những cơn đau nhức gia tăng.
Hãy thực hành
Người ta nói rằng những gì bạn sở hữu cuối cùng sẽ chiếm hữu bạn.
Hãy nhìn vào lượng thời gian đi kiếm tiền [của bạn] để mua các món đồ, chưa kể thời gian tiêu tốn vào việc tìm kiếm, nghĩ ngợi, mua sắm, sắp xếp, dọn dẹp, bảo quản, sửa chữa, và thay thế các món đồ đó. Chúng ta đã trở thành nô lệ cho của cải của chúng ta theo nhiều cách.
Vậy làm sao để chúng ta học được cách truy cầu và mua sắm ít hơn?
James Clear đã liệt kê ra một số điều cơ bản mà chúng ta có thể làm để hạn chế những thói quen truy cầu và tích trữ [vật chất].
Đầu tiên, hãy giảm thiểu sự tiếp xúc với cám dỗ. Hãy hủy đăng ký những quảng cáo, và tránh ngắm đồ qua cửa kính cửa hàng hay lướt web tìm kiếm những món đồ có thể cám dỗ bạn.
Tiếp theo, hãy chắc chắn rằng những gì bạn mua phù hợp với những gì bạn đã có. Nếu bạn chỉ có quần màu đen nhưng bạn lại mua một đôi giày màu nâu, bạn sẽ chợt nghĩ rằng bạn nên mua vài cái quần màu nâu. Đừng tạo ra những lý do để mua nhiều hơn nữa.
Hãy xem xét kỹ lưỡng những gì bạn đã đang có. Bạn có thật sự cần thêm một cái áo thun trắng nữa không? Chiếc gối trang trí mới đó có thật sự khiến cuộc sống bạn trở nên tốt hơn hay không? Nếu câu trả lời là không, thì đừng mua nó làm gì. Nếu câu trả lời là có, hãy đợi ít nhất 24 tiếng, rồi tự hỏi lại bản thân câu hỏi đó. Thường thì bạn sẽ phát hiện ra dục vọng của bạn đối với thứ đó đã tan biến đi, và câu trả lời bây giờ là không.
Một ý tưởng khác là kỳ nghỉ mua sắm. Và không, tôi không có ý là một kỳ nghỉ để đi mua sắm. Bằng cách không đi mua sắm trong vòng một tuần, hoặc một tháng, bạn có thể giải tỏa bản thân khỏi thói quen mua sắm, và thậm chí có thể khám phá ra rằng bạn thích làm những điều khác với khoảng thời gian đó của mình.
Hãy học cách trân trọng những trải nghiệm, hơn là những vật chất. Đầu tư thời gian và năng lượng vào việc giúp đỡ những người khác. Hãy nhắc nhở bản thân điều gì thực sự quan trọng – bạn bè, gia đình, và thậm chí một khoảng thời gian tĩnh lặng để nhìn nhận bản thân và cải thiện chính mình.
Kế đến, với mỗi món đồ mới bạn mua, hãy bỏ/cho đi một thứ khác. Điều này không chỉ tránh được sự bừa bộn, mà còn giúp bạn xem xét kỹ lưỡng những gì mình đã đang có. Đó cũng là một khoảng thời gian tuyệt vời để thực hành sự biết ơn với những gì bạn đang có.
Những gợi ý khác bao gồm việc tránh những cạm bẫy của địa vị và so sánh, tách biệt danh tiếng của bạn với những món đồ bạn sở hữu, và buông bỏ chấp trước vào cảm xúc với các món đồ.
Việc đặt ra những giới hạn cho bản thân cũng rất quan trọng. Ở thời điểm hiện tại, khi sự tự kiềm chế bản thân đang bị đánh giá thấp, thì nó lại là một công cụ hữu hiệu để đạt được [khả năng] truy cầu và sở hữu [vật chất] ít đi.
Hãy nhớ rằng, luôn sẽ có một món đồ mới hơn và tốt hơn mà chúng ta muốn có được. Nhưng tích lũy nhiều hơn không có nghĩa là chúng ta sẽ hạnh phúc hơn; nó chỉ nâng cao ham muốn của chúng ta.
Như Socrates từng nói, chìa khóa không chỉ nằm ở việc truy cầu ít đi, mà còn là thụ hưởng ít đi. Điều này cần một sự thay đổi không chỉ ở bên ngoài, mà quan trọng hơn, đó là [sự thay đổi] từ bên trong.
Khi bạn sử hữu ít hơn, bạn có thể bắt đầu nhận ra rằng bạn không thật sự cần nhiều thứ đó để có thể hạnh phúc hơn. Bạn thậm chí có thể cảm nhận được sự bình an và tự do đến từ việc buông bỏ gánh nặng của việc ham muốn nhiều hơn.
Vì vậy tôi vẫn đang tiếp tục thực hành điều này, tôi biết là mình sẽ làm được.
Tatiana Denning, D.O. _ Nhã Liên
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.