Thủ tướng Canada Justin Trudeau và các lãnh đạo EU hồi tháng 10/2016 khi ký Hiệp định CETA, có hiệu lực một năm sau đó.
Anh Quốc muốn ký thỏa thuận thương mại 'kiểu Canada' với EU sau Brexit, cho phép 98% hàng hóa hai bên thông thương miễn trả thuế quan, nhưng không rõ Brussels có đồng ý.
Trong bài diễn văn quan trọng ở London sáng 03/02/2020, Thủ tướng Anh, Boris Johnson đề ra các nét chính cho quá trình đàm phán hậu Brexit của London với EU.
Điều được báo chí Anh chú ý nhất điểm ông Johnson nói về 'mô hình Canada' cho quan hệ thương mại Anh - EU trong tương lai.
Ngoài ra, ông mong muốn Anh không còn phải tuân thủ mọi tiêu chuẩn thương mại của EU như trước.
Thuế quan bằng không cho gần 100% hàng hóa
Theo phóng viên kinh tế Andrew Walker, thì "thuế quan hai bên Canada - EU" hiện đã bằng không cho gần như tất cả các mặt hàng.
Nhưng vấn đề là Anh Quốc muốn khu vực dịch vụ tài chính không chịu chế độ "đồng đẳng" với quy chế của Liên hiệp châu Âu.
Ngoài ra, EU chưa chắc đã muốn chấp nhận để Anh, nước bao quanh bởi các quốc gia EU, hưởng chế độ giống như Canada, quốc gia nằm ở lục địa khác tại Bắc Mỹ.
Các nét chính trong thỏa thuận thương mại Canada - EU - CETA là gì?
· Thuế quan của 90% hàng hóa hai bên bằng 0, giảm từ các mức khác nhau, ví dụ hàng nhập từ Canada vào EU từng chịu thuế: cá trích đông lạnh 20%, yến mạch 51.7%, syrup mật phong (8%), phụ tùng xe hơi (4.5%). Có thể thấy rõ một số mặt hàng rất đặc trưng cho kinh tế Canada.
· Hàng EU bán sang Canada cũng giảm xuống 0, từ mức không nhỏ trước đó: chocolate từng chịu thuế nhập 10%, hàng vải, quần áo 16%, thiết bị y tế (8%, máy công nghiệp 9.5%
· Hạn định (quota) cho hàng EU miễn thuế, như phó mát nhập vào Canada tăng 18,5 nghìn tấn lên 31,9 nghìn tấn.
· Tương tự, hạt ngô của Canada bán vào EU tăng từ 0 lên 8 nghìn tấn trong năm năm.
· Chừng 98% thuế quan đánh vào hàng hóa EU-Canada sẽ bị xóa bỏ theo từng bước, đa số trong năm đầu tiên khi hiệp định hai bên có hiệp lực và sẽ bỏ hết trong 7 năm.
· Các công ty Canada và EU có thể tham gia đấu thầu giành hợp đồng công ở thị trường của nhau, ví dụ công ty Canada nếu trúng thầu có thể xây tuyến hỏa xa cho Pháp. Công ty Anh (khi còn trong EU), cũng có quyền đấu thầu xây trường học ở Ontario, Canada.
Bằng cấp của Canada được công nhận tương ứng tại EU nhờ thỏa thuận CETA
CETA, có hiệu lực từ tháng 09/2017, cũng cho phép chính phủ hai bên công nhận bằng cấp hành nghề, tay nghề nhân viên, chuyên gia của nhau.
Di sản Anh và gần gũi Mỹ
Các quan sát ở Anh và Hoa Kỳ chỉ ra rằng Canada là một ví dụ thú vị, vừa có di sản của văn hóa, luật pháp Anh, vừa ở cạnh Hoa Kỳ.
Tính đặc thù này đến từ di sản: Canada chỉ độc lập hoàn toàn từ 1982 sau hàng trăm năm thuộc đế chế Anh, và ngày nay, Nữ hoàng Elizabeth II vẫn là nguyên thủ quốc gia Canada.
Tuy thế, về kinh tế, Canada đã "bỏ Anh" để hướng tới Mỹ từ những năm 1920.
Tom McTague viết trên The Atlantist (21/01/2020) về khả năng Anh có trở thành một Canada cạnh EU, như Canada từng là "biểu hiện của Anh" cạnh Hoa Kỳ hay là không.
Cách nhìn này nói cần tách biệt vấn đề chính trị, địa lý và thương mại.
"Với Canada, vấn đề luôn là quan hệ với Hoa Kỳ và Anh, còn với Anh thì đó là quan hệ với Mỹ và EU."
Vấn đề chính vì thế là ở chỗ Anh sẽ cân bằng ra sao nhu cầu quan hệ với Mỹ, kể cả việc ký thỏa thuận thương mại với Washington, và quan hệ với EU sau Brexit.
Khúc mắc sẽ là gì?
Nhân viên Hội đồng châu Âu gỡ đi lá cờ Anh hôm 31/01, ngày Anh vĩnh viễn rời mọi cơ quan, tổ chức của EU sau 47 năm thành viên
Hiện điều khiến chính phủ Johnson mong muốn là Anh sẽ không phải chịu sự ràng buộc của Tòa án EU.
London cũng không muốn bị ràng buộc bởi quyền tự do di chuyển (freedom of movement) của công dân EU vào Anh.
Tiếng kèn Scotland đưa lá cờ Anh Quốc - Union Jack, ra khỏi trụ sở EU ở Brussels hôm 30/01.
Đây thực chất không phải là quyền đi thăm miễn trừ visa vốn đã có, mà là quyền sang Anh làm việc không cần giấy phép và định cư vĩnh viễn.
Điều này thì Canada đã đạt được theo CETA: công dân EU không thể sang Canada tự do định cư và ngược lại.
Cùng lúc, hai bên công nhận miễn visa cho công dân của nhau đi thăm, với người Canada được vào khu vực tự do đi lại Schengen tới 90 ngày.
CETA cho phép Canada nằm ngoài phạm vi chế tài của Tòa án Công lý EU (ECJ) và khi hai bên có tranh tụng thì một cơ chế tòa trọng tài thường trực sẽ được áp dụng.
Tuy thế, đây sẽ là điểm gay cấn trong đàm phán hậu Brexit giữa Anh và EU.
Lãnh đạo Liên hiệp châu Âu muốn Anh tiếp tục chấp nhận quy chế 'đồng đẳng' về các tiêu chuẩn hàng hóa, lao động và tuân thủ phán quyết của Tòa Công lý EU.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.