Kỳ nghỉ lễ là thời điểm yêu thích trong năm của mọi người — liệu có phải thế không?
Hình ảnh văn hóa của những ngày nghỉ lễ, tràn ngập những hình ảnh đẹp lung linh trên các phương tiện truyền thông, vốn dĩ là một khoảng thời gian hòa hợp gia đình, những bữa tiệc thịnh soạn, những ngôi nhà rực rỡ ánh đèn, những nụ hôn dưới cây tầm gửi, và những đứa trẻ ngây thơ quây quần quanh gốc cây đó.
Điều tốt lành là hầu hết chúng ta đều trải qua những khoảnh khắc ấm áp đó. Một vài lần, hay một vài năm. Song, ắt hẳn không phải năm nào cũng có những khoảnh khắc này. Và thậm chí, trong suốt nhiều năm, khi mà chúng ta có một mùa Giáng Sinh tương đối vui vẻ, thì niềm hân hoan đó cũng đồng tại với những cảm xúc kém vui khác.
Nói cách khác, cuộc sống không phải là một bộ phim Hallmark, phải không nào?
Đôi khi, những hình ảnh hân hoan về kỳ nghỉ và những kỳ vọng to lớn chỉ xoáy sâu hơn khoảng cách đau đớn giữa kỳ nghỉ đẹp như mơ trong phim Hallmark và cuộc sống thực tại.
Có ai chưa từng trải qua “thực tại buồn” đúng vào dịp Giáng Sinh chăng? Nếu bạn sống đủ lâu, chắc chắn bạn đã từng trải qua những ngày nghỉ đầy đau khổ, cô đơn, u sầu, hoặc thất vọng. Có lẽ, bạn đang thương tiếc một người thân yêu vừa qua đời, hoài vọng về ai đó đang ở ngoài chiến tuyến, than thở về một mối quan hệ đã tan vỡ, cóp nhặt trong cảnh túng quẫn, hay chống chọi với bệnh tật trong chính cuộc sống của bản thân hoặc của những người mà bạn yêu thương.
Trong những giai đoạn mà cuộc sống của chúng ta đầy rẫy khó khăn, thì khi ấy những kỳ nghỉ lễ có thể giống như một mùa để chịu đựng hơn là tận hưởng. Không mấy ngạc nhiên khi mà nhiều người cho biết họ cảm thấy buồn phiền vào dịp Giáng Sinh hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm.
Có lẽ phần thống khổ nhất của một mùa lễ hội thiếu niềm đi hân hoan như bình thường chính là cảm giác như thể bạn chỉ có một mình — như thể mọi người trên khắp thế giới đang ăn mừng lễ Giáng Sinh tuyệt vời nhất của họ trong khi bạn là người duy nhất đang đau khổ. Ý tưởng cho rằng Lễ Giáng Sinh được kỳ vọng luôn là một đại tiệc của niềm hạnh phúc lại là một trong những sự lừa dối có tính hủy hoại hơn cả mà chúng ta có thể mắc phải.
Một nghiên cứu do Liên minh Quốc gia về Bệnh tâm thần (NAMI) cho thấy 64% những người đang gặp khó khăn về cảm xúc (chẳng hạn như chứng phiền muộn và lo âu) đều cho rằng những ngày nghỉ lễ khiến tình trạng của họ trở nên xấu hơn. Nếu kỳ nghỉ của bạn đang diễn ra với cảm xúc mất mát, phiền muộn, cô đơn, hay thậm chí là hoảng loạn, thì hãy hiểu rằng cảm xúc đó của bạn không có gì bất thường.
Chắc chắn, bạn không đơn độc.
Hãy mang niềm vui vào thế giới của bạn
Mặc dù trên thực tế, nhiều người phải chật vật trải qua kỳ nghỉ lễ này, nhưng đúng là bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy niềm vui ngay cả trong những lúc khó khăn. Giống như hầu hết những điều tốt đẹp khác, niềm vui phải được nuôi dưỡng trước khi nảy nở và đơm hoa kết trái. Dưới đây là những cách thức mà bạn có thể bắt đầu:
* Cho phép bản thân cảm thấy không vui. Nếu không cảm thấy hào hứng vào mùa lễ này, bạn không cần phải giả vờ rằng bạn đang rất vui. Khi đang phải trải qua một khoảng thời gian đầy cam go, việc tự trách móc bản thân vì không cảm thấy hân hoan là một những điều không giúp ích gì cho bạn nhất. Trải nghiệm riêng là của bạn, và bạn không cần phải sống theo bất kỳ quan điểm định kiến nào.
* Tự cho phép bản thân cảm nhận được niềm vui. Thỉnh thoảng, khi đang trải qua những thời điểm khó khăn, chúng ta do dự để thừa nhận với bản thân khi chúng ta cảm nhận được hạnh phúc hoặc niềm vui, như thể thừa nhận sự hiện diện của niềm vui hạnh phúc ấy là xem nhẹ nỗi đau của chúng ta vậy. Nhưng niềm vui và nỗi buồn không hề tách bạch với nhau — những cảm xúc ấy có thể song hành trong mùa lễ này. Cho phép bản thân thừa nhận niềm vui khi bạn cảm nhận được là một bước quan trọng để thoát ra khỏi nơi tăm tối và đến một miền tươi sáng hơn.
* Duy trì các hoạt động nuôi dưỡng tâm hồn bạn. Nếu không cẩn thận, thì việc trải qua khổ nạn có thể khiến cho bạn phải bận lòng đến mức quên mất những hoạt động đã từng mang lại cho bạn sự an hòa và niềm vui. Một phần quan trọng của việc chăm sóc bản thân lành mạnh là tiếp tục những việc vốn đã từng tiếp sinh lực cho bạn và khiến bạn mỉm cười. Dành một chút thời gian để định ra ít nhất năm hoạt động mang lại niềm hạnh phúc cho bạn, chẳng hạn như gặp gỡ một vị bằng hữu để dùng bữa trưa, đạp xe đạp, hoặc chơi một hiệp golf. Sau đó, bạn hãy bắt đầu lên lịch cho các hoạt động này và thực hiện theo.
* Tránh các biện pháp trốn tránh không lành mạnh. Khi đang giằng xé về mặt cảm xúc, chúng ta thường có xu hướng ăn uống quá độ, tiêu xài hoang phí, hoặc lạm dụng chất kích thích. Đó là vì chúng ta muốn làm điều gì đó để thay đổi tâm trạng của mình. Tất nhiên, danh mục những biện pháp trốn tránh vô ích và không lành mạnh có thể tiếp tục kéo dài. Những thái độ trốn tránh tiêu cực chỉ gieo rắc sự tiêu cực trong suốt cuộc đời bạn.
* Thoát khỏi khổ đau theo những cách lành mạnh. Thật may mắn thay, không phải tất cả thái độ trốn tránh đều tiêu cực hoặc mang tính hủy hoại bản thân. Trên thực tế, để tinh thần và cảm xúc nghỉ ngơi nhằm thoát khỏi nguồn cơn của đau khổ là một cách hiệu quả nhằm cải thiện cách mà bạn đối mặt, thay đổi quan niệm của mình, và giúp bạn xác định những giải pháp lâu dài. Một cách để thoát khỏi tình trạng đó có thể đơn giản là dành một giờ đọc một cuốn sách thú vị bên lò sưởi hoặc tỉ mỉ hơn như lên kế hoạch cho kỳ nghỉ tiếp theo.
* Chăm sóc tốt cơ thể bạn. Một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể làm để giải quyết những khó khăn của cuộc sống là bồi bổ sức khỏe và thân thể của mình. Ăn uống đúng cách, ngủ đủ giấc, và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giảm cảm giác lo âu, cải thiện được tâm trạng của bạn, và tiếp thêm sinh lực cho cơ thể, bộ não, và cảm xúc của bạn.
* Giữ liên lạc với những người thân thiết nhất. Khi đang đối mặt với nỗi phiền muộn, lo âu, hoặc những khó khăn khác, bạn sẽ có xu hướng cô lập bản thân khỏi những người khác. Tuy nhiên, sự cô lập chỉ làm tăng thêm cảm giác đau khổ mà bạn đang trải qua.
* Hãy gần gũi với những người hiện diện trong cuộc sống của bạn, những người mang lại cho bạn niềm hạnh phúc và sự nương tựa. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự trợ giúp xã hội có thể mang đến một nguồn năng lượng cảm xúc quan trọng và khả năng phục hồi nhanh chóng. Trong hành trình cuộc đời, những người bạn sẽ trợ giúp bạn trong lúc hoạn nạn, chia sẻ tiếng cười trong lúc hạnh phúc, và luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp nhất về bạn.
* Hình dung về bản thân và cuộc sống theo cách tốt nhất có thể. Mỗi ngày trong hai tuần tới, bạn hãy dành 15 phút suy nghĩ và viết ra những tình huống tốt nhất có thể diễn ra trong tương lai của bạn. Suy ngẫm về mục đích và ước mơ của mình — và hình dung rằng mọi thứ đều sẽ vận hành tốt nhất. Sau đó, bạn hãy dành thêm năm phút để hình dung cuộc sống vị lai tốt đẹp nhất này một cách sống động nhất có thể, với rất nhiều chi tiết.
Bài tập này có nhiều ý nghĩa hơn là một bài nói chuyện nâng đỡ tinh thần cho bản thân; bạn sẽ rèn luyện lại tâm trí bằng cách chuyển hướng tư duy của mình.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Tâm Thần (Psychiatry Research) đã chứng minh rằng bài tập này làm tăng đáng kể mức độ lạc quan của những người tham gia.
Hãy chọn cười to lên. Thoạt nhìn, lời khuyên này có vẻ vô lý. Đó là bởi vì hầu hết mọi người đều lầm tưởng rằng tiếng cười giống như nước chảy từ vòi và chỉ cảm giác hạnh phúc mới có thể kích hoạt nụ cười. Đầu tiên bạn phải cảm thấy hạnh phúc trước, rồi nụ cười và tiếng cười sẽ đến.
Sự thật là, những nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tiếng cười và niềm vui đích thực là hai vế của một phương trình hoạt động theo cả hai hướng. Chắc chắn là như thế, tiếng cười tự phát là rất vui. Nhưng trong những khoảnh khắc kém vui hơn, thì lựa chọn mỉm cười hoặc cười lớn đều có sức mạnh — bởi vì cảm xúc thường sẽ theo sau, với những lợi ích sức khỏe thể chất lẫn tinh thần có thể đo lường được. Lúc nào cũng vậy, những gì mà xuất phát điểm là một lựa chọn theo đuổi niềm vui sẽ trở thành hiện thực và rất dễ lan tỏa.
Nuôi dưỡng lòng tốt. Giống như những con tem chữ dán xe hơi có ghi, “Thực hành Những Hành động Tử tế Ngẫu nhiên.” Nhưng từ then chốt ở đây không phải là từ “ngẫu nhiên” — mà là từ “thực hành.” Đó là bởi vì, giống như tiếng cười, lòng tốt không phải lúc nào cũng là động lực đầu tiên của chúng ta khi cảm thấy tuyệt vọng. Tất cả chúng ta đều có những rắc rối riêng của mình mà điều đó có thể khiến chúng ta thấy quá tải và khiến chúng ta không còn giữ được suy nghĩ “đối xử tử tế với người khác như cách chúng ta muốn họ đối xử với chúng ta.” Điều này cần sự thực hành và lòng quyết tâm biến sự rộng lượng trở thành một phần của con người bạn.
Sống chậm lại. Hầu hết mọi người đều có cuộc sống bận rộn trong 10 tháng đầu năm, và mùa nghỉ lễ càng khiến cuộc sống thêm phần bận rộn hơn. Thật khó, nếu không muốn nói là không thể, để tạo niềm hứng khởi cho bản thân vào những khi bạn luôn cảm thấy vội vàng và hối hả. Hãy xác định những phần thiết yếu trong cuộc sống của bạn, sau đó bắt đầu bỏ bớt những phần không quan trọng. Việc hiểu được điều gì mang đến niềm vui cho bạn sẽ dễ dàng thực hiện hơn khi bạn dành thời gian để thong thả và tĩnh lặng.
Mùa lễ hội này, đừng chờ đợi niềm vui tìm đến mình. Hãy biến cuộc sống của bạn thành một lời mời gọi để ngỏ mỗi ngày.
Tiến sĩ Gregory Jantz _ Y Văn
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.