Một cuộc khảo sát của The Conference Board, một nhóm nghiên cứu bất vụ lợi, cho thấy, đối với người tiêu dùng Hoa Kỳ, niềm tin về tình trạng của nền kinh tế Mỹ đã giảm, trong khi những kỳ vọng về tương lai vẫn ở mức cho thấy một cuộc suy thoái sắp xảy ra.
Theo thông cáo báo chí hôm 28/02, trong tháng Hai, Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng của The Conference Board đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, xuống còn 102.9, giảm từ mức 106 của tháng Một. Chỉ số Kỳ vọng, dựa trên triển vọng ngắn hạn của người tiêu dùng đối với thu nhập, thị trường lao động, và các điều kiện kinh doanh, giảm từ 76 hồi tháng Một xuống còn 69.7 trong tháng Hai. Nếu Chỉ số Kỳ vọng giảm xuống dưới 80, thì đó là một dấu hiệu suy thoái trong năm tới. Trong 12 tháng qua, Chỉ số Kỳ vọng đã ở dưới mức 80 trong vòng 11 tháng.
Theo ông Ataman Ozyildirim, giám đốc cao cấp của tổ chức này, sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng phản ánh “sự sụt giảm rộng lớn” về niềm tin của các gia đình có thu nhập từ 35,000 USD trở lên cũng như các gia đình trong độ tuổi 35–54.
Chỉ số Tình hình Hiện tại, xem xét đánh giá hiện tại của một người tiêu dùng về thị trường lao động và điều kiện kinh doanh, đã tăng từ 151.1 trong tháng Một lên 152.8 trong tháng Hai. Ông Ozyildirim cho rằng sự tăng trưởng này là do một “quan điểm ưu ái hơn” về khả năng có việc làm.
Ông nói, “Trên thực tế, tỷ lệ người tiêu dùng nói rằng lượng việc làm là ‘dồi dào’ đã tăng lên 52% — trở lại những mức đã được thấy vào mùa xuân năm ngoái. Tuy nhiên, triển vọng này có vẻ bi quan hơn đáng kể khi nhìn về phía trước. Những kỳ vọng về nơi mà việc làm, thu nhập, và điều kiện kinh doanh sẽ hướng tới trong sáu tháng tới đều giảm mạnh trong tháng Hai.”
Cuộc khảo sát này cho thấy những kỳ vọng lạm phát 12 tháng của người tiêu dùng là 6.3%. Mặc dù đã giảm so với mức 6.7% được ghi nhận vào tháng Một, nhưng tỷ lệ lạm phát vẫn tiếp tục tăng cao.
Chi tiêu gia đình, tâm lý người tiêu dùng
Sự bất ổn này về nền kinh tế Hoa Kỳ đang làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và những kỳ vọng chi tiêu.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, kỳ vọng tăng trưởng chi tiêu gia đình trung bình đã giảm xuống 5.7% trong tháng 01/2023 từ mức 5.9% trong tháng 12/2022, là mức thấp nhất kể từ tháng 01/2022. Đây là kỳ vọng giảm thứ ba liên tiếp.
Trong khi đó, mức tăng trưởng dự kiến trung bình trong thu nhập gia đình đã giảm 1.3%, xuống còn 3.3%, là mức giảm lớn nhất trong một tháng trong 10 năm qua.
Theo một thông cáo báo chí hôm 13/02, “Những kỳ vọng về tình hình tài chính của các gia đình sẽ xấu đi một chút trong năm tới, trong đó nhiều người được hỏi cho rằng tình hình sẽ tệ hơn nữa trong một năm kể từ bây giờ.”
Chỉ số Tâm lý Người tiêu dùng của Michigan ghi nhận một mức tăng trưởng “khiêm tốn” 3% trong tháng Hai so với tháng trước. Tuy nhiên, chỉ số này tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn 20 điểm so với mức trung bình trong lịch sử.
Sự suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ
Nền kinh tế Hoa Kỳ đã mở rộng với một tốc độ chậm hơn dự kiến trong quý 4/2022, chỉ tăng 2.7% so với 3.2% trong quý 3.
Trong năm nay, Deutsche Bank dự kiến Hoa Kỳ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái vào quý 4/2023. Ngân hàng này dự đoán trong suốt quý 4/2023 đến quý 2/2024, GDP thực tế sẽ giảm khoảng 1.25% tính từ đỉnh cao nhất đến điểm thấp nhất.
Ngân hàng này cho biết trong một lưu ý: “Động lực tăng trưởng mạnh hơn, lạm phát dai dẳng hơn, và một cơ quan Dự trữ Liên bang mạnh mẽ hơn sẽ cần thắt chặt các điều kiện tài chính, ủng hộ kỳ vọng căn bản của chúng tôi về một cuộc suy thoái vừa phải hơn là một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng. Điều đó nói lên rằng, sức mạnh ngắn hạn vững chắc hơn của nền kinh tế Hoa Kỳ gợi ý rằng thời điểm suy thoái có thể được trì hoãn.”
Trong tháng Một, Chỉ số Kinh tế Hàng đầu của Conference Board (LEI) đã giảm 0.3% trong tháng thứ mười liên tiếp. Đây là đợt sụt giảm dài nhất của LEI kể từ sự sụp đổ của Lehman Brothers vào năm 2008.
Tổ chức này cũng dự đoán Hoa Kỳ sẽ bước vào một cuộc suy thoái “ngắn và nhẹ” vào khoảng đầu năm nay. Tuy nhiên, “thời điểm chính xác” thì rất khó tính toán.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.