Sir Max Hastings là sử gia hàng đầu của Anh về quân sự, địa chính trị và các vấn đề quốc tế.
Mỹ "thua" về quân sự nhưng rốt cuộc "chiến thắng" ở Việt Nam về văn hóa và kinh tế, theo đánh giá trong cuốn sách mới về chiến tranh Việt Nam.
Sử gia nổi tiếng của Anh, Sir Max Hastings, vừa ra mắt cuốn sách hơn 700 trang, Vietnam: An Epic Tragedy 1945-1975 (Việt Nam: Một bi kịch vĩ đại 1945-1975).
Sinh năm 1945, ông Max Hastings lần đầu tới miền Nam Việt Nam khi mới 24 tuổi với tư cách phóng viên.
Ngày 20/3/1975, ông có mặt ở Sài Gòn và như ông kể, nghĩ rằng ông chỉ tường thuật một chiến dịch nữa mà không biết cuộc chiến sắp sửa kết thúc.
Trong sự nghiệp báo chí của mình, Max Hastings từng là tổng biên tập của tờ Daily Telegraph (1986-1995) và Evening Standard (1996-2002).
Ông cũng là một sử gia quân sự, đã viết 26 cuốn sách về các cuộc chiến lớn như Thế chiến thứ Nhất và thứ Hai.
Ông được Anh phong tước hiệp sĩ năm 2002 và nhận giải thưởng 100.000 đôla cho thành tựu cả đời từ Thư viện Quân sự Pritzker của Chicago năm 2012.
Xem Việt Nam là nơi ông từ bỏ "ảo tưởng thơ ấu về vinh quang quân sự", Sir Max Hastings bắt đầu có những chuyến đi Mỹ và Việt Nam năm 2016 để phỏng vấn cho cuốn sách.
Sir Max Hastings nói về cuốn sách Vietnam: An Epic Tragedy 1945-1975:
Đã nhiều sách do người Pháp và Mỹ viết, nhưng thường họ có xu hướng họ đặt người Mỹ là nhân vật chính hay nạn nhân chính trong cuộc chiến. Tôi muốn khác đi, để đây là cuốn sách chủ yếu về người Việt. Đã có ước tính cứ một người Mỹ chết ở Việt Nam, thì có hơn 40 người Việt chết.
Khi nghiên cứu cho sách, tôi tập trung vào người Việt cả cộng sản và chống cộng. Tôi đã đọc hàng ngàn trang bản dịch các tài liệu và hồi ký, tôi làm phỏng vấn ở cả Mỹ và Việt Nam.
'Thiếu tin cậy' tư liệu từ Việt Nam
Sài Gòn ngày 30/4/1975
Một vấn đề cho người viết sử là có vô số tư liệu trong kho của Mỹ, Pháp, nhưng ở Hà Nội không có nhiều tư liệu hàm chứa các nguồn đáng tin cậy. Đọc hồi ký của những người lính miền Bắc, phỏng vấn người Việt - những điều đó rất có ích. Nhưng nhiều diễn giải chính thức của Hà Nội không đáng tin.
Phương Tây 'hiểu lầm về cuộc chiến'
Max Hastings tường thuật từ đảo Falklands/Malvinas năm 1982 khi Anh có cuộc chiến với Argentina.
Trong lúc chiến tranh diễn ra, Washington và Phương Tây luôn tin rằng hành vi của miền Bắc, tức Hà Nội, là do Trung Quốc và Nga giật dây. Nhưng khi bạn nghiên cứu về chuyện này, bạn thấy không đúng. Thực tế cả Liên Xô và Trung Quốc đều không mấy nhiệt tình với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Một phần là vì họ luôn lo lắng Mỹ sẽ can thiệp quân sự.
Trong giai đoạn đầu họ thậm chí lo ngại Mỹ có khi dùng vũ khí hạt nhân. Cả Bắc Kinh và Moscow đều không hào hứng với cuộc chiến, khác với điều các chính trị gia Phương Tây tưởng.
Ở Phương Tây, người ta nghĩ rằng Hồ Chí Minh, cho đến khi qua đời năm 1969, luôn là người chỉ đạo cuộc đấu tranh của miền Bắc. Dĩ nhiên giờ đây thì chúng ta biết từ khoảng năm 1962, mặc dù Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục quan trọng, ông Lê Duẩn đã chỉ đạo các nỗ lực chiến tranh. Có một số bằng chứng rằng từ giữa thập niên 1960, một phe ở Hà Nội - có thể trong đó có ông Hồ - cân nhắc khả năng có thỏa hiệp hòa bình. Nhưng Lê Duẩn luôn khẳng định phải đạt được chiến thắng.
Sử gia Max Hastings nói về vai trò của Tướng Giáp ra sao trong chiến tranh.
Một việc mà nhiều người ở Phương Tây chưa biết: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường được cho là người chỉ đạo chính cho hoạt động quân sự của Hà Nội. Nhưng trong một giai đoạn dài, Tướng Giáp mất uy thế, thậm chí ở nước ngoài trong lúc một số lượng đáng kể người thân tín của ông ấy bị bắt tù.
Sự tàn nhẫn của miền Bắc
Trong cuốn sách, tôi cho rằng mình đã trình bày công bằng về tầm mức thất bại, sự ngu dốt (stupidity) của người Mỹ, những điều tệ hại mà họ làm.
Nhưng chúng ta cũng cần nhận ra sự tàn bạo (brutality) của miền Bắc: sự thờ ơ của Lê Duẩn trước tầm mức thương vong của quân miền Bắc để đạt được mục tiêu thống nhất; tầm mức các chiến dịch gây khiếp sợ ở miền Nam và ở cả miền Bắc sau 1954 như Cải cách Ruộng đất, hợp tác hóa.
Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson và Đại sứ Mỹ ở Nam Việt Nam Maxwell Taylor năm 1965
Hồ Chí Minh và Việt Minh luôn xứng đáng được người Việt Nam ngưỡng mộ, biết ơn vì đấu tranh loại bỏ người Pháp khỏi Việt Nam. Nhưng mặt khác, sự tàn nhẫn và thất bại về kinh tế theo sau việc đưa chủ nghĩa cộng sản vào miền Bắc và sau này trên cả nước đã áp đặt một cái giá quá lớn lên người Việt.
Mỹ 'thua quân sự, thắng văn hóa, kinh tế'
Một hình ảnh cuộc chiến ở Nam Việt Nam
Với tôi, một trớ trêu là người Mỹ đã thất bại về quân sự nhưng ngày hôm nay về văn hóa và kinh tế, các giá trị và văn hóa Mỹ lại chiến thắng.
Mặc dù một chính thể độc đoán vẫn đang cai trị, mọi người được phép kiếm tiền theo kiểu Mỹ. Những nhà cách mạng thời kỳ đầu hẳn sẽ phát hoảng nếu họ nhìn thấy Sài Gòn hôm nay vì thành phố trông hệt như cách mà người Mỹ muốn thấy. Nên thật trớ trêu khi người Mỹ thất bại về quân sự nhưng họ đã chiến thắng về văn hóa và kinh tế.
Triển lãm Xuân 1968 ở Huế
Nhưng tôi cho rằng người dân Việt Nam cần tự hào vì lòng dũng cảm, ý chí của nhân dân ở cả hai phía trong một cuộc chiến áp đặt lên họ bởi cả người cộng sản và Phương Tây. Trong sách, tôi viết cả hai phe đều không xứng đáng chiến thắng. Cả hai phe đều cư xử tệ với nhân dân Việt Nam.
Trong sách tôi cũng nói một lý do đằng sau thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam là ở mọi giai đoạn, người Mỹ không hành động dựa theo mong muốn, lợi ích của nhân dân Việt Nam. Lúc nào chính sách của họ cũng xuất phát từ lợi ích của Mỹ. Như thế Hà Nội luôn có lợi thế tuyên truyền to lớn.
Lý do căn bản người Mỹ đã thua, người cộng sản thắng là vì người Việt căm ghét sự can thiệp của nước ngoài. Rõ ràng sự can thiệp của Mỹ đã đem lại đau khổ cho nhân dân Việt Nam.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.