Khi khinh khí cầu tình nghi do thám của Trung cộng lần đầu tiên đi vào không phận của Hoa Kỳ ở phía bắc quần đảo Aleutian của Alaska hôm 28/1, các quan chức Mỹ tin rằng có nhiều khả năng nó sẽ tiếp tục di chuyển trên quỹ đạo phía bắc qua các khu vực dân cư thưa thớt.
Nhưng hai ngày sau, khinh khí cầu gây bất ngờ khi bay chậm lại, gần như lảng vảng trên Canada. Sau đó, nó thay đổi hướng đi và bay về phía nam trên một quỹ đạo mới mà cuối cùng sẽ đi qua tiểu bang Idaho của Hoa Kỳ, các quan chức cho biết.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói: “Đó là lúc chúng tôi biết vụ này sẽ khác.”
Các khinh khí cầu do thám của Trung cộng đã từng bay vào lãnh thổ Hoa Kỳ trong quá khứ nhưng cách mà khinh khí cầu lần này di chuyển, hướng tới các địa điểm nhạy cảm của Hoa Kỳ, đã gây báo động cho Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD), các quan chức cho biết.
Hoa Kỳ điều hành một căn cứ quân sự và các hầm chứa phi đạn hạt nhân ở Montana, một tiểu bang giáp với Idaho.
Sự xuất hiện của khinh khí cầu Trung cộng đã gây náo động chính trị ở Hoa Kỳ và khiến nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Antony Blinken, hủy bỏ chuyến đi từ ngày 5 đến ngày 6 tháng 2 tới Bắc Kinh mà cả hai nước đều hy vọng sẽ ổn định mối quan hệ đang rạn nứt.
Tổng thống Joe Biden hôm 31/1 đã yêu cầu các giải pháp quân sự để đối phó với cuộc khủng hoảng đang gia tăng - nhưng lúc đó vẫn chưa được tiết lộ.
Các quan chức quân sự đã phát triển một kế hoạch bắn hạ khinh khí cầu vào ngày 1/2 khi nó bay qua Montana.
Kế hoạch tiến triển đến mức sân bay Billings hôm 1/2 đã ra lệnh dừng hoạt động trên mặt đất để dọn sạch không phận gần đó khi quân đội huy động máy bay chiến đấu F-22 trong trường hợp ông Biden ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên hôm 2/2: “Cho dù các biện pháp bảo vệ đã được thực hiện, các chỉ huy quân sự của chúng tôi đã đánh giá rằng chúng tôi đã không giảm thiểu rủi ro ở mức đủ thấp, vì vậy chúng tôi đã không thực hiện”.
Một quan chức quân sự khác của Hoa Kỳ, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết các mảnh vỡ sẽ rơi xuống ít nhất trong bán kính 11 km, gây nguy cơ chết người cho dân Mỹ và có khả năng làm hư hại cơ sở hạ tầng.
Các quan chức kết luận rằng lựa chọn tốt nhất và an toàn nhất là bắn hạ khinh khí cầu trên mặt nước, một động thái cũng có thể giúp tình báo Hoa Kỳ thu hồi thiết bị của Trung cộng để nghiên cứu.
Điều khiển khinh khí cầu
Chính phủ Hoa Kỳ không cho biết địa điểm nào mà khinh khí cầu Trung cộng đã khảo sát. Nó dường như di chuyển gần các căn cứ nhạy cảm của Hoa Kỳ, bao gồm Căn cứ Không quân Malmstrom ở Montana, nơi giám sát 150 hầm chứa phi đạn đạo xuyên lục địa và Căn cứ Không quân Offutt ở Nebraska, nơi có Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm về các lực lượng hạt nhân.
Khinh khí cầu dường như cũng trôi dạt qua Căn cứ Không quân Whiteman ở Missouri, nơi vận hành máy bay ném bom B-2 của Lực lượng Không quân.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết khinh khí cầu có thể bay lơ lửng trong gió trên một số khu vực cụ thể.
“Chúng tôi đã thấy nó làm như vậy. Nó lảng vảng trên một số địa điểm nhất định. Nó rẽ trái, rẽ phải. Chúng tôi thấy nó di chuyển bên trong luồng phản lực. Đó là cách nó hoạt động”, quan chức này nói và cho biết thêm rằng khinh khí cầu có cánh quạt và bánh lái.
Trung cộng nói khinh khí cầu này là một phương tiện dân sự được sử dụng cho mục đích khí tượng và các mục đích khác, và đi lạc vào không phận Hoa Kỳ “hoàn toàn vô tình”.
Ngày 2/2, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Thứ trưởng Wendy Sherman đã gặp các quan chức cấp cao từ tòa đại sứ Trung cộng để truyền đạt “một loạt thông điệp mạnh mẽ”, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết.
Ông Biden đã chỉ đạo đội ngũ của mình bảo vệ các địa điểm tránh bị Trung cộng thu thập thông tin nhạy cảm trong lúc NORAD theo dõi chuyển động của khinh khí cầu trên khắp lục địa Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ cũng bắt đầu thu thập thông tin về khinh khí cầu, bao gồm cả cách thức hoạt động của nó.
Theo một quan chức chính quyền, sau các phát hiện dọc theo đường đi của khinh khí cầu và sự náo động của công chúng, ông Blinken đã quyết định chính thức hoãn chuyến đi đến Trung cộng vào ngày 2/2. Hôm 3/2, Ngũ Giác Đài dự báo khinh khí cầu sẽ tiếp tục bay qua Hoa Kỳ trong vài ngày nữa.
Chuẩn bị bắn hạ
Nhưng sau những tuyên bố công khai đó, khinh khí cầu tăng tốc, hướng về phía bờ biển Nam Carolina. Các quan chức cho biết không rõ mức độ gia tốc đó là do luồng phản lực hay do hệ thống lái của chính khinh khí cầu.
Tổng thống Biden đã thông qua kế hoạch bắn hạ vào tối 3/2 khi ông đang ở Wilmington, Delaware.
NASA đã phân tích và đánh giá khu vực mảnh vỡ, dựa trên quỹ đạo của khinh khí cầu, thời tiết và “trọng lượng” ước tính của các cảm biến, và một chiến dịch quân sự của Hoa Kỳ được tiến hành trên biển và trên không.
Nhiều máy bay chiến đấu và máy bay tiếp nhiên liệu đã tham gia sứ mệnh bắn hạ khinh khí cầu Trung cộng, nhưng chỉ máy bay chiến đấu F-22 từ Căn cứ Không quân Langley ở Virginia nhã đạn lúc 2:39 phút chiều, sử dụng một phi đạn AIM-9X Sidewinder.
Phi đạn đã đâm thủng khinh khí cầu khi nó bay lơ lửng ở độ cao từ 18-20 km, và rơi xuống biển. Khu vực mảnh vỡ kéo dài khoảng 11 km như dự đoán, nhưng hầu hết rơi xuống vùng nước tương đối nông, chỉ sâu 14 mét.
Một quan chức quân sự nói về hoạt động thu hồi ở Đại Tây Dương: “Điều đó thực sự sẽ làm cho việc này khá dễ dàng”.
Bắn hạ khinh khí cầu xong, chính phủ Hoa Kỳ đã thông báo cho Trung cộng trong khi Bộ Ngoại giao thông báo cho các đồng minh của Mỹ.
Reuters
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.