Hôm 02/02, các dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã thông qua một nghị quyết bãi nhiệm Dân biểu Ilhan Omar (Dân Chủ-Minnesota) khỏi Ủy ban Ngoại giao của Hạ viện.
Nghị quyết này được thông qua theo đường hướng đảng phái, với 218 dân biểu Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu bãi nhiệm bà Omar và 211 dân biểu Đảng Dân Chủ bỏ phiếu chống lại nghị quyết. Một nhà lập pháp đã bỏ phiếu trắng, trong khi đó, ba dân biểu Đảng Cộng Hòa và một dân biểu Đảng Dân Chủ đã không bỏ phiếu.
Bất chấp một số phản đối từ những người chỉ trích phía Đảng Cộng Hòa về hành động đó, biện pháp này đã dễ dàng vượt qua rào cản về thủ tục để bắt đầu cuộc tranh luận với tỷ lệ bỏ phiếu 218 phiếu thuận – 209 phiếu chống theo đảng phái hôm 01/02.
Tuy nhiên, vì Đảng Dân Chủ chưa công bố danh sách những người được bổ nhiệm vào ủy ban này, nên chưa có hành động nào về nghị quyết này có thể diễn ra. Bà Omar từng cho thấy rằng bà mong muốn trở thành một trong những người được đảng của bà bổ nhiệm vào ủy ban này.
Vài lần bà Omar đã bị chỉ trích vì những bình luận tiêu cực về Israel, mà những người chỉ trích đã mô tả là “bài Do Thái.”
Do những bình luận này mà từ lâu Đảng Cộng Hòa đã bày tỏ sự phản đối gay gắt với việc đưa bà Omar vào Ủy ban Ngoại giao. Đôi lúc Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã cho thấy rằng ông sẽ không cho phép bà Omar phụng sự trong ủy ban này.
Trong một cuộc họp báo của giới lãnh đạo Đảng Cộng Hòa hôm 31/01, Lãnh đạo Đa số Hạ viện Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana) đã thông báo rằng Đảng Cộng Hòa sẽ bãi nhiệm bà Omar nếu bà được bổ nhiệm vào Ủy ban Ngoại giao của Hạ viện.
“Tất cả chúng ta đều đã xem những câu trích dẫn và những điều mà bà ấy đã nói đi nói lại với tư cách là một nghị sĩ Quốc hội, điều đó sẽ tạo ra những vấn đề nghiêm trọng nếu bà ấy ở trong Ủy ban Ngoại giao,” ông Scalise nói. “Vì vậy, chúng tôi sẽ — nếu [Đảng Dân Chủ bổ nhiệm bà ấy vào Ủy ban Ngoại giao], điều mà vẫn họ chưa làm, nhưng nếu họ đã làm vậy — thì chúng tôi cũng sẽ phải bãi nhiệm bà ấy.”
Hôm 31/01, bà Omar nói với các phóng viên rằng bà đang trong “trạng thái hữu hảo” với các thành viên ủy ban này.
Trong một bài diễn văn tại Hạ viện, Dân biểu vừa mới nhậm chức Mike Lawler (Cộng Hòa-New York) đã bảo vệ nghị quyết của đảng mình.
Ông cho biết: “Bà ấy [Omar] đang phải chịu trách nhiệm về lời nói và hành động của mình.”
‘Nghị quyết trả đũa’
Các thành viên Đảng Dân Chủ đã phản ứng với nghị quyết trên bằng một loạt cáo buộc.
Dân biểu Pramila Jayapal (Dân Chủ-Washington), người lãnh đạo Nhóm Cấp tiến Quốc hội (Congressional Progressive Caucus), gọi dự luật này chính là “một nghị quyết trả đũa.”
Dân biểu Rashida Tlaib (Dân Chủ-Michigan) gọi đó là một hành động làm phân tâm “khỏi sự bất lực hoàn toàn trong việc điều hành của Đảng Cộng Hòa.”
Chí ít một thành viên Đảng Dân Chủ, Dân biểu Mark Pocan (Dân Chủ-Wisconsin), cho rằng Đảng Cộng Hòa đang nhắm vào bà Omar hoàn toàn là vì định kiến.
Ông Pocan nói: “Việc là một phụ nữ người Mỹ gốc Phi Châu thẳng thắn thông minh theo đạo Hồi rõ ràng là một vấn đề.”
Bà Omar lặp lại điều đó, tự gọi mình là “một phụ nữ Hồi giáo đến từ châu Phi. Có ai ngạc nhiên khi tôi đang trở thành mục tiêu không?” bà nói thêm.
“Tôi là một người Mỹ,” bà Omar nói. “Tôi là một người Mỹ được các cử tri cử đến đây để đại diện cho họ tại Quốc hội.”
Được sử dụng để chống lại Đảng Cộng Hòa
Trong Quốc hội nhiệm kỳ 117, các thành viên Đảng Dân Chủ đã sử dụng một quy trình tương tự, vốn đang được chuẩn bị để áp dụng cho bà Omar, để bãi nhiệm các Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) và Paul Gosar (Cộng Hòa-Arizona) khỏi tất cả các nhiệm vụ trong ủy ban của hai chính trị gia này.
Khi gần bắt đầu Quốc hội nhiệm kỳ 117, phe đa số Đảng Dân Chủ đương thời đã tước bỏ mọi nhiệm vụ trong ủy ban của bà Greene. Các thành viên Đảng Dân Chủ đã trích dẫn những bình luận mà thành viên Đảng Cộng Hòa Georgia mới đắc cử này đã đưa ra về vụ xâm nhập Điện Capitol ngày 06/01 — những bình luận mà bà đã xin lỗi và phủ nhận trước khi tuyên thệ nhậm chức với tư cách là một nhà lập pháp.
Ông Gosar đã bị bãi nhiệm sau khi đăng một video lên mạng xã hội mà các thành viên Đảng Dân Chủ cho rằng có nguy cơ bạo lực.
Hôm 31/01, trong một cuộc họp báo, ông Scalise cho biết rằng những trường hợp này, là ưu tiên hàng đầu trong suy nghĩ của các thành viên Đảng Cộng Hòa khi họ chuẩn bị bãi nhiệm bà Omar.
“Chúng tôi đã nói chuyện với các thành viên của đảng mình và chỉ ra rất nhiều vấn đề bởi vì quý vị biết đấy, nếu quý vị nhìn vào những gì chúng tôi rất lo ngại về Quốc hội nhiệm kỳ trước … Đảng Dân Chủ đã bãi nhiệm bà Marjorie Taylor Greene và ông Paul Gosar khỏi tất cả các ủy ban của họ,” ông nói.
Trong các bình luận với các phóng viên trước cuộc bỏ phiếu, bà Omar nhấn mạnh rằng các trường hợp này là không giống nhau.
“Họ [bà Greene và ông Gosar] đe dọa tính mạng của các đồng sự. Họ gây nguy hiểm cho những người mà họ có thể phụng sự trong các ủy ban, cho thể chế thực tế mà họ đã tuyên thệ bảo vệ,” bà cho hay.
Trong các bình luận tại Hạ viện hôm 02/02, Dân biểu Steny Hoyer (Dân Chủ-Maryland) đã đồng tình [với quan điểm trên].
“[Bà Greene and ông Gosar] không bị cách chức vì phát ngôn của họ,” ông Hoyer nói. “Họ đã bị bãi nhiệm vì đã đe dọa các thành viên khác [của Quốc hội].”
“Không có sự tương đương ở đây,” ông nói thêm. “Chúng tôi tin vào tự do ngôn luận, bất kể lời phát ngôn đó mang tính thù hận đến mức nào.”
Dân biểu Ayanna Presley (Dân Chủ-Massachusetts), một đồng minh lâu năm của thành viên Đảng Dân Chủ Minnesota đang bị tấn công này, đã nói thêm trong một phần trình bày tại Hạ viện rằng “bà Ilhan Omar đang ở đúng vị trí của bà ấy trong ủy ban ngoại giao này.”
Các nhà chỉ trích Đảng Cộng Hòa lên tiếng
Một số thành viên Đảng Cộng Hòa đã chỉ trích hành động tước bỏ các nhiệm vụ của bà Omar.
Trước cuộc bỏ phiếu này, bà Omar nói rằng một số thành viên Đảng Cộng Hòa đã nói riêng với bà rằng họ phản đối nỗ lực bãi nhiệm bà ấy, đồng thời kể rằng những thành viên Đảng Cộng Hòa đó đã gọi hành động này là “bất công.”
Bà Omar nói: “Họ đang cố gắng làm bất cứ điều gì có thể trong ủy ban của họ để bảo đảm không có cuộc bỏ phiếu nào bãi nhiệm tôi khỏi Ủy ban Ngoại giao.”
Dân biểu Victoria Spartz (Cộng Hòa-Indiana) là một trong những người chỉ trích thuộc Đảng Cộng Hòa thẳng thắn nhất về hành động này, mà bà gọi là một “trò hề.”
“Sai lại càng thêm sai,” bà Spartz nói trong một tuyên bố. “Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã thực hiện những hành động chưa từng có tại Quốc hội nhiệm kỳ trước để bãi nhiệm hai Dân biểu Greene và Gosar khỏi ủy ban của họ mà không có quy thức pháp lý hợp lệ. Chủ tịch Hạ viện McCarthy đang thực hiện những hành động chưa từng có trong Quốc hội nhiệm kỳ này để từ chối một số nhiệm vụ ủy ban cho phe thiểu số mà không có quy thức pháp lý hợp lệ một lần nữa.”
Trong một tuyên bố khác tại Hạ viện, bà cũng đã đưa ra những lập luận tương tự.
“Là một người lớn lên dưới chế độ độc tài ở Liên Xô, tôi vô cùng trân trọng những quyền tự do này và hiểu rằng rất khó lấy lại những quyền đó một khi quý vị đánh mất chúng. Do đó, tôi sẽ kiên trì bảo vệ Hiến Pháp và các quyền của chúng ta bất kể chính trị ra sao,” bà Spartz nói. “Chúng ta không phải là một tòa án bất chấp công lý và chúng ta có các ủy ban phù hợp, như Đạo đức hoặc Tư pháp, để cung cấp các quy thức pháp lý hợp lệ cho tất cả các cá nhân, nếu không chúng ta có thể mất đi sự tín nhiệm đối với người dân Mỹ.”
“Tôi đã kiên quyết tranh luận về các quy thức pháp lý hợp lệ tại Quốc hội nhiệm kỳ trước với tư cách là một thành viên của Ủy ban Tư pháp, vì vậy giờ đây tôi không có ý định trở thành một kẻ đạo đức giả.”
Bà Spartz không phải là người chỉ trích duy nhất.
Hồi tuần trước, Dân biểu David Joyce (Cộng Hòa-Ohio) nói với The Washington Post rằng ông nghĩ rằng các nhiệm vụ ủy ban này nên để “các giới hạn của mỗi bên” quyết định.
Ông còn nói thêm rằng việc Đảng Dân Chủ sử dụng quy trình chống lại bà Greene và ông Gosar trong Quốc hội nhiệm kỳ trước “tạo ra vấn đề trả đũa này cho ủy ban của chúng ta.”
Do đó, trước cuộc bỏ phiếu này, vẫn chưa rõ liệu ông McCarthy — người chỉ có thể cho phép tối đa 4 thành viên [Đảng Cộng Hòa] phản đối với khối đa số sít sao của ông — sẽ có những phiếu bầu để thực hiện lời hứa từ lâu rằng ông sẽ bãi nhiệm bà Omar hay không.
‘Pháp quyền’
Mặc dù rốt cuộc bà Spartz đã bị thuyết phục và đồng ý với quyết định này, nhưng bà đã yêu cầu thay đổi một quy tắc cho phép một thành viên ủy ban bị bãi nhiệm được kháng cáo việc bãi nhiệm này.
Bà Spartz đã giải thích với hãng truyền thông NTD: “Nếu chúng ta tin vào pháp quyền và quy thức pháp lý, thì chúng ta cần có một khả năng, ít nhất là theo một cách nào đó, để thách thức sự lãnh đạo và các quyết định của lãnh đạo, hoặc các quyết định của khối đa số, bởi vì chúng ta không muốn trở thành một khối đa số chuyên quyền.”
Thành viên Đảng Cộng Hòa của tiểu bang Indiana này nói với NTD rằng ông McCarthy đã đồng ý với yêu cầu của bà.
Bà nói trong một tuyên bố riêng: “Tôi đánh giá cao việc Chủ tịch Hạ viện McCarthy sẵn sàng giải quyết các mối quan tâm chính đáng và thêm ngôn ngữ theo quy thức pháp lý vào giải pháp của chúng ta. Thảo luận và tranh luận là rất quan trọng đối với viện của chúng ta, chứ không phải theo cách tiếp cận từ trên xuống.”
“Pháp quyền, tự do ngôn luận, và quy thức pháp lý là nền tảng cho nền Cộng hòa Lập hiến của chúng ta. Những tổ phụ lập quốc của chúng ta hiểu rằng nền dân chủ thuần túy là nguy hiểm và có thể dẫn đến sự chuyên chế của khối đa số, sự cai trị của đám đông, và chế độ độc tài.”
Bà Spartz đã mô tả quy trình kháng cáo này là thận trọng và là một phương tiện để bảo đảm rằng chủ tịch hạ viện hoặc khối đa số chiếm tỷ lệ sít sao không có tiếng nói cuối cùng về những vấn đề này.
“Đối với những đồng sự theo phái bảo tồn truyền thống của tôi, tôi nghĩ rằng việc đặt ra một tiền lệ cho phép một quy trình kháng cáo đối với các quyết định bãi nhiệm của Chủ tịch Hạ viện và đảng chiếm khối đa số là đặc biệt quan trọng đối với các nhà lập pháp yêu tự do, những người thường xuyên phải đối mặt với những vấn đề như thế này.”
Ông Scalise: ‘Điều này không giống nhau’
Trong cuộc họp báo của ban lãnh đạo Đảng Cộng Hòa (GOP) hôm 31/01, ông Scalise lập luận rằng việc bãi nhiệm bà Omar “không giống [như những gì đã xảy ra với bà Greene và ông Gosar] ở một số phương diện.”
“Thứ nhất, họ truy lùng bà Marjorie Taylor Greene vì những điều mà bà ấy đã nói trước khi trở thành một thành viên Quốc hội, những điều mà bà ấy đã tố cáo trước khi là một thành viên Quốc hội.”
Ông Scalise nói thêm: “Việc họ bãi nhiệm bà ấy khỏi mọi ủy ban là mang tính cá nhân.”
Ông Scalise nhấn mạnh rằng Đảng Cộng Hòa không có ý định hành động thêm như Đảng Dân Chủ đã làm bằng cách bãi nhiệm một số thành viên nhất định khỏi tất cả các ủy ban của họ.
“Ngay cả khi bà Omar bị bãi nhiệm khỏi Ủy ban Ngoại giao, bà ấy sẽ được phép phụng sự trong các ủy ban khác. Vì vậy, rất nhiều sự khác biệt rõ ràng,” ông Scalise nói.
“Nếu bà Omar lo ngại về việc bị bãi nhiệm, có lẽ sẽ hợp lý nếu quý vị hỏi bà ấy tại sao bà ấy bỏ phiếu bãi nhiệm bà Marjorie Taylor Greene và ông Gosar khỏi các ủy ban của họ, bởi vì bà ấy đã bỏ phiếu để làm điều đó.”
Ông Schiff và ông Swalwell
Bà Omar không phải là thành viên Đảng Dân Chủ duy nhất gặp trục trặc trong việc phân công công việc ở ủy ban Hạ viện.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa cũng cho biết họ sẽ từ chối trao cho các Dân biểu Adam Schiff (Dân Chủ-California) và Eric Swalwell (Dân Chủ-California) các ghế trong Ủy ban Tình báo Đặc biệt Thường trực của Hạ viện.
Hôm 01/02, bà Omar nói với các phóng viên rằng bà ấy phản đối việc cấm ông Schiff và ông Swalwell tham gia bất kỳ ủy ban nào.
Bà Omar nói: “Trừ khi ông McCarthy có thể nói rằng bản thân tôi, ông Adam Schiff, và ông Eric Swalwell là một mối nguy hiểm như thế nào đối với viện này, với các đồng sự của chúng tôi, thì ông ấy sẽ không đi theo tiền lệ mà Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã đặt ra.”
Điều đáng chú ý là, trong Quốc hội nhiệm kỳ 117, Chủ tịch Hạ viện đương thời Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đã thực hiện một biện pháp chưa từng có là từ chối các lựa chọn của Lãnh đạo thiểu số Hạ viện đương thời Kevin McCarthy cho Ủy ban Chọn lọc 06/01 đó.
Ông McCarthy đã chọn Dân biểu Jim Banks (Cộng Hòa-Indiana) cho vị trí cao nhất trong ủy ban ngày 06/01 và Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) để phụng sự dưới quyền của ông. Bà Pelosi đã bác bỏ các lựa chọn này, cho rằng họ đã làm tổn hại đến tính toàn vẹn của cuộc điều tra này, và thay vào đó đã bổ nhiệm những người nguyên là những dân biểu gồm bà Liz Cheney (Cộng Hòa-Wyoming) và ông Adam Kinzinger (Cộng Hòa-Illinois) về phía Đảng Cộng Hòa.
Ủy ban Tình báo, trái ngược với hầu hết các ủy ban Hạ viện, được phép truy cập thông tin về thông tin tình báo mật, điều mà hầu hết các thành viên khác của Quốc hội không được phép xem. Do đó, ông McCarthy đã chỉ ra rằng ông xem Ủy ban Tình báo này về tính chất là khác với bất kỳ ủy ban nào khác của Hạ viện.
Chính vì lý do này mà ông McCarthy đã nói rằng ông sẽ không cho phép ông Schiff, một cựu chủ tịch ủy ban, hoặc ông Swalwell tham gia vào ủy ban này, viện dẫn những lo ngại quan trọng về đạo đức đối với mỗi người.
Ông Schiff, trong một số trường hợp và đặc biệt là trong thời gian làm việc trong ủy ban Hạ viện ngày 06/01 – hiện đã bị giải tán, đã từng sửa chữa hoặc giả mạo bằng chứng. Trường hợp đáng chú ý nhất xảy ra hồi tháng 12/2021, khi ông Schiff trình bày ảnh chụp màn hình đã được chỉnh sửa sai lệch về cuộc trò chuyện bằng văn bản giữa Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) và cựu Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows.
Trong một bài diễn văn tại Hạ viện hôm 02/02, ông Schiff đã bày tỏ sự phản đối đối với nghị quyết chống lại bà Omar, nói rằng bà Greene và ông Gosar đã bị bãi nhiệm khỏi ủy ban của họ vì hành vi “kích động bạo lực” chống lại các thành viên Quốc hội.
Ông Schiff nói: “Không có vấn đề gì giống như vậy ở đây cả.”
Ông McCarthy cho biết ông Swalwell sẽ đặt ra những lo ngại về an ninh quốc gia nếu ông ấy được phép tham gia vào ủy ban này do mối quan hệ được ghi nhận rõ ràng của ông ấy với một điệp viên Trung cộng trước đây.
“Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã nói rõ vị trí của chúng tôi, cho dù đó là vị trí của ông Adam Schiff và ông Swalwell trong Ủy ban Tình báo này, cũng như vị trí của bà Omar trong Ủy ban Ngoại giao,” ông Scalise cho biết hôm 31/01.
Vì bà Omar chưa được chính thức bổ nhiệm vào ủy ban này nên chưa có giải pháp nào được tiến hành.
Joseph Lord
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.