Sau những sụp đổ của một số ngân hàng khu vực, mọi người Mỹ đều đang gặp khó khăn hơn trong việc có được tín dụng.
Bởi vì các ngân hàng nhỏ hơn rất quan trọng đối với hoạt động cho vay tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ, nhiều nhà phân tích dự đoán kết quả chiến dịch kiềm chế lạm phát của Fed sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Ông Steve Hanke, giáo sư Kinh tế học Ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins, nói với Epoch Times: “Hoạt động cho vay của ngân hàng đạt đỉnh điểm hồi tháng 05/2020 với mức tăng trưởng 11% so với cùng thời kỳ năm trước đó. Ngày nay, con số đó đã giảm xuống còn 5.5% mỗi năm.”
Ông Hanke, người từng phục vụ trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Reagan, cho biết: “Sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley, Signature, và First Republic, tôi dự đoán rằng hoạt động cho vay của ngân hàng sẽ tiếp tục giảm tốc khi thị trường tín dụng thắt chặt thêm.”
Theo một báo cáo ngày 16/03 của Goldman Sachs, “khi căng thẳng lan rộng khắp các ngân hàng nhỏ hơn ở Mỹ, việc thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay giữa các tổ chức đó dự kiến sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế trong năm nay.”
Mặc dù các ngân hàng sụp đổ chỉ chiếm 1% tổng số cho vay, nhưng ngày nay nhiều ngân hàng khác cũng gặp vấn đề tương tự. Được đo lường như một phần của tổng số tiền cho vay, các ngân hàng có tỷ lệ cho vay trên tiền gửi cao cung cấp 20% tổng số các khoản vay, các ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi được FDIC bảo hiểm thấp cung cấp 7%, và các ngân hàng có tiền gửi tập trung cung cấp 4%.
Theo các báo cáo của Goldman, các ngân hàng nhỏ hơn, có tài sản dưới 250 tỷ USD, chiếm khoảng một nửa tổng số cho vay kinh doanh, 60% cho vay địa ốc nhà ở, 80% cho vay địa ốc thương mại, và 45% cho vay tiêu dùng.
Nhà kinh tế Mohamed El-Erian viết một bài bình luận trên Financial Times rằng ngoài ra các ngân hàng nhỏ hơn còn lại đã mất các khoản tiền gửi khi khách hàng đổ xô đến các ngân hàng và các quỹ thị trường tiền tệ lớn hơn, và các khoản cho vay mà các ngân hàng nhỏ này cung cấp “không chắc sẽ được những bên hưởng lợi từ dòng tiền gửi chảy ra tiếp nhận ở bất kỳ cấp độ nào.”
Ông Hanke nói, “Chúng ta đang hướng tới một cuộc khủng hoảng tín dụng. Chúng tôi biết rằng một cuộc suy thoái đang đến gần vì nguồn cung tiền (M2) đã giảm mạnh, giảm 2.9% kể từ tháng 03/2022.”
M2 thể hiện tiền mặt và tiền gửi ngân hàng trong thời gian ngắn; thước đo này được coi là một chỉ báo chính về lạm phát nếu nó vượt xa GDP, hoặc suy thoái kinh tế nếu nó chậm hơn.
Ông Hanke nói, “Thật không may, Fed không hề chú ý đến tốc độ tăng trưởng cung tiền. Kết quả là, họ đã tăng đáng kể lãi suất quỹ của Fed và tiến hành thắt chặt định lượng.
Ông nói: “Hành động nguy hiểm này đã khiến cung tiền (M2) giảm 2.9% kể từ tháng 03/2022. Hiện tại, tốc độ tăng M2 hàng năm là -2.4%, trong khi tốc độ tăng trưởng vàng, như tôi tính toán để phù hợp với mục tiêu lạm phát 2%, là khoảng 5.5%. Dữ liệu này báo hiệu rắc rối cho thị trường tín dụng.”
Ông James Bullard, chủ tịch của St. Louis Fed, đã thừa nhận cuộc khủng hoảng tín dụng hôm 06/04, nhưng nói rằng “còn quá sớm để nói chúng ta đang chứng kiến kiểu thắt chặt nào.”
Ông nói: “Chỉ có khoảng 20% khoản cho vay đi qua hệ thống ngân hàng, và chỉ một phần nhỏ trong số những ngân hàng này là ngân hàng nhỏ và khu vực. Tôi chỉ không nghĩ rằng bản thân nó đủ lớn để khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.”
Một tuyên bố ngày 22/03 của Fed cho biết họ tin rằng trong khi cuộc khủng hoảng ngân hàng “có khả năng dẫn đến các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đối với các gia đình và doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, việc tuyển dụng, và lạm phát … thì mức độ của những tác động này là không chắc chắn. Fed tuyên bố rằng họ “vẫn rất chú ý đến rủi ro lạm phát,” cho thấy rằng các đợt tăng lãi suất bổ sung có thể sắp diễn ra.
Một cuộc khảo sát người tiêu dùng vào tháng Tư của Fed cho thấy kỳ vọng lạm phát đã tăng 0.5% trong tháng Ba lên mức 4.7%, đánh dấu mức tăng đầu tiên kể từ tháng 10/2022. Đồng thời, mức tăng lương trung bình dự kiến của người dân Mỹ là 3%, cho thấy mức sống tiếp tục giảm so với lạm phát, trong khi “tỷ lệ gia đình báo cáo rằng khó vay tín dụng hơn một năm trước [đang] tăng lên và chạm một mức cao của chuỗi số liệu.”
Chính sách thắt chặt định lượng (QT) của Fed diễn ra sau một thập niên nới lỏng định lượng (QE), trong đó Fed đã tích lũy gần 9 ngàn tỷ USD trái phiếu từ cuộc khủng hoảng vay nợ có thế chấp năm 2008 cho đến đợt phong tỏa do COVID năm 2020.
Thông qua một chiến lược thử nghiệm, họ đã tích lũy công khố phiếu và chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp với số lượng chưa từng có, làm thị trường tràn ngập tiền khiến lãi suất dài hạn giảm xuống, trong khi vẫn giữ lãi suất ngắn hạn gần bằng 0, tất cả nhằm nỗ lực không ngừng để kích thích nền kinh tế và làm tăng giá trị tài sản.
Giờ đây Fed đang bắt đầu chuyển sang đảo ngược chính sách để chống lạm phát, họ đang bắt tay vào một chính sách thử nghiệm tương tự việc thu hẹp bảng cân đối kế toán. Hậu quả của QT đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế thực sự là một trò chơi đoán mò.
Theo một số nhà kinh tế, Fed nên tập trung vào nguồn cung tiền như động lực chính của lạm phát và không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.
Ông Hanke nói: “Fed nên chú ý đến Lý thuyết Định lượng Tiền tệ và nên chấm dứt nỗi ám ảnh về việc phụ thuộc vào dữ liệu cũng như theo đuổi hàng ngàn yếu tố không liên quan cùng một lúc. Tóm lại, Fed đang chú ý đến tiếng ồn và đang bỏ lỡ mất tín hiệu.”
Kevin Stocklin _ Vân Du
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.