Những nỗ lực phi dollar hóa này đã tăng tốc trong 12 tháng qua, với nhiều quốc gia tham gia cuộc thập tự chinh của Bắc Kinh và Moscow chống lại đồng USD.
Khi nhiều chính phủ cố gắng làm suy yếu đồng bạc xanh này và có khả năng truất ngôi đồng USD, thì những cá nhân nổi bật hơn đang bắt đầu chú ý đến, từ cựu Tổng thống (TT) Donald Trump đến Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California).
Hôm 17/04, Chủ tịch Hạ viện, hiện đang đối đầu về mức trần nợ với chính phủ Tổng thống Biden, nói rằng nợ chính phủ Hoa Kỳ tăng vọt, chứ không phải những gì mà các quốc gia khác đang làm, sẽ làm xói mòn vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế chính của đồng USD.
Tại một sự kiện của Sàn giao dịch Chứng khoán New York, ông McCarthy đã nói rằng “chúng ta không nên xao nhãng về xu hướng rời xa đồng USD này.”
Thế nhưng, ông lập luận rằng cách duy nhất mà đồng USD mất vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới chính là nợ quốc gia đang ngày càng tăng.
Ông nói: “Chi tiêu quá nhiều tiền và đặt mình vào khoản nợ 31 ngàn tỷ USD là một mối đe dọa lớn hơn so với việc Brazil sử dụng đồng nhân dân tệ thay vì USD.”
Sau bài diễn văn được soạn trước của mình về thị trường chứng khoán, ông McCarthy cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng nỗ lực phi dollar hóa của các quốc gia sẽ không ảnh hưởng đến đồng bạc xanh này, mà là những gì chính phủ liên bang đang làm.
Ông McCarthy: Nợ sẽ làm tổn thương đồng USD
“Có một cuộc tấn công vào đồng USD,” ông nói với CNBC. “Những gì Brazil và các quốc gia khác làm sẽ không đánh bật đồng USD khỏi vị thế đồng tiền của thế giới, mà là chính những gì chúng ta làm. Nếu chúng ta tiếp tục mắc nợ ở mức 120%, chúng ta sẽ sụp đổ.”
Theo đề xướng ngân sách năm tài khóa 2024 của Tòa Bạch Ốc, dự kiến, nợ quốc gia chiếm 110% GDP.
Ngoài ra, báo cáo Giám sát Tài chính mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng tỷ lệ nợ trên GDP này sẽ vượt quá 136% vào năm 2028.
Từ đầu năm đến nay, chiến dịch phi dollar hóa toàn cầu này đã phát sinh nhiều diễn biến.
Tháng trước (03/2023), Brazil và Trung cộng đã thiết lập một thỏa thuận sẽ hoàn toàn bỏ qua đồng USD khi thanh toán cho thương mại song phương và sẽ ưu tiên đồng nhân dân tệ và đồng real trong các khoản thanh toán.
Tại một sự kiện hôm 13/04 ở Trung cộng, Tổng thống Brazil Inacio Lula da Silva đã chỉ trích quyền lực tối thượng của đồng USD.
Ông Lula nói tại một buổi lễ ở Thượng Hải: “Tại sao mọi quốc gia phải ràng buộc với đồng USD để giao dịch? Ai đã quyết định đồng USD sẽ là đồng tiền của thế giới?”
“Tại sao một ngân hàng như ngân hàng BRICS lại không có một đồng tiền để tài trợ cho thương mại giữa Brazil và Trung cộng, giữa Brazil và các nước BRICS khác? Ngày nay, các quốc gia phải chạy theo đồng dollar để xuất cảng, trong khi họ có thể xuất cảng bằng đồng tiền của mình.”
Mới đây, Bắc Kinh cũng đã thanh toán giao dịch khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên bằng đồng nhân dân tệ. Chính phủ Iraq khẳng định nước này sẽ tiến hành giao dịch nhiều hơn bằng đồng nhân dân tệ. Ấn Độ đề nghị cung cấp đồng rupee cho các quốc gia trong khu vực để đối phó với cuộc khủng hoảng đồng USD. Hiện nay, nhân dân tệ là đồng tiền phổ biến nhất ở Nga.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) không lấy làm ngạc nhiên trước những diễn biến mới nhất này vì chính phủ đương nhiệm đã tập trung “vào một nghị trình cấp tiến cực đoan” hơn là sự thịnh vượng.
Vị thượng nghị sĩ này nói: “Thay vì thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế, chính phủ ông Biden tiếp tục tập trung vào một nghị trình cấp tiến cực đoan tập trung vào giảm phát thải và hoạt động của người chuyển giới.”
“Không ai ngạc nhiên khi các quốc gia trên toàn thế giới đang lựa chọn phát triển một nền kinh tế thứ cấp, hoàn toàn độc lập với đồng USD. Chính phủ này đang biến đất nước chúng ta thành một trò cười quốc tế, sẽ sớm bị bắt làm con tin dưới bàn tay của chế độ diệt chủng ở Bắc Kinh.”
Ngay cả một cựu tổng thống cũng đang thảo luận về chủ đề này.
Cựu TT Trump: Giống như ‘chiến bại trong một trận thế chiến’
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với xướng ngôn viên Tucker Carlson của Fox News, cựu TT Donald Trump đã đề cập ngắn gọn về chiến dịch chống đồng USD đang leo thang được nhiều đối thủ và đồng minh của Mỹ áp dụng.
Ông trùm địa ốc này, người đang tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2024, đã bác bỏ quan điểm cho rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ đánh mất bản vị đồng USD, liệt kê ngày càng nhiều quốc gia muốn thay đổi bản vị tiền tệ, chẳng hạn như Trung cộng, Iran, Nga, và các quốc gia Nam Mỹ.
Ông cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ là một “quốc gia hạng hai” nếu đồng USD bị lật đổ khỏi ngôi vị của mình.
“Chúng ta đang thua cuộc. Nếu chúng ta mất vị thế đồng tiền của mình, điều đó giống như ‘chiến bại trong một trận thế chiến,” ông Trump nói. “Đồng tiền của chúng ta là thứ làm cho chúng ta mạnh mẽ và vững mạnh.”
Trong một bài đăng trên Truth Social mới đây, ông Trump cũng đưa ra những lời nhận xét tương tự, cáo buộc Trung cộng “đang cố gắng thay thế” đồng bạc xanh này để trở thành đồng tiền toàn cầu hàng đầu, điều mà “ba năm trước là không thể tưởng tượng được.”
Ông nói, “Nếu điều này xảy ra, và dưới sự lãnh đạo của ông Biden thì điều này có thể sẽ xảy ra, thì đây sẽ là thất bại lớn nhất đối với đất nước chúng ta trong lịch sử.”
Ngoài ra, ông Trump đã đề cập đến đồng USD “sụp đổ” trong bài diễn văn của mình ở Mar-a-Lago sau phiên tòa truy tố.
Ông nói, “Đồng tiền của chúng ta đang sụp đổ và sẽ sớm không còn là bản vị thế giới, mà đây sẽ là thất bại lớn nhất của chúng ta trong 200 năm tới; sẽ không có thất bại nào như vậy. Điều đó sẽ khiến chúng ta thậm chí không còn là một cường quốc nữa.”
Chỉ số USD (DXY), một chỉ số đo lường đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, giảm khoảng 1.4% từ đầu năm đến nay.
Bà Yellen cảnh báo những hậu quả
Theo Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, việc chính phủ Hoa Kỳ vũ khí hóa đồng USD trên các thị trường quốc tế có thể mang lại kết quả ngược lại và làm suy yếu sự bá chủ của đồng USD.
Trong năm qua, các lệnh trừng phạt kinh tế, tài chính, và kiểm soát xuất cảng được áp đặt lên Nga đã buộc Moscow và các đồng minh của họ, như Trung cộng và Iran, phải tìm kiếm các đồng tiền thay thế cho đồng USD.
Tuy nhiên, mặc dù chiến dịch này đã đạt được một số thành công, bà Yellen tin rằng việc đó “không dễ dàng” vì Công khố phiếu Hoa Kỳ có tính thanh khoản và an toàn như thế nào trên thị trường tài chính toàn cầu.
Bà Yellen cho biết trong một cuộc phỏng vấn của CNN được phát hình hôm 16/04, “Đồng USD vốn dĩ được sử dụng rộng rãi. Chúng ta có các thị trường vốn sâu rộng và luật pháp cần thiết cho một loại tiền tệ sẽ được sử dụng trên toàn cầu cho các giao dịch.”
“Và chúng tôi chưa từng thấy bất kỳ quốc gia nào khác có cơ sở hạ tầng cơ bản này, cơ sở hạ tầng thể chế có thể cho phép đồng tiền của mình phục vụ thế giới như thế này.”
Tuy nhiên, bà thừa nhận có một nguy cơ rằng các lệnh trừng phạt sẽ làm xói mòn vai trò là đồng tiền dự trữ quốc tế chính của đồng USD.
Bà Yellen nói, “Vì vậy, có một rủi ro khi chúng ta sử dụng các lệnh trừng phạt tài chính có liên quan đến vai trò của đồng USD, theo thời gian việc này có thể làm suy yếu sự bá chủ của đồng USD.”
“Nhưng đây là một công cụ vô cùng quan trọng mà chúng tôi cố gắng sử dụng một cách thận trọng.”
Một xu hướng trong dài hạn
Các nhà kinh tế và nhà phân tích thị trường đồng tình rằng các sáng kiến nhằm thay thế đồng USD sẽ mất nhiều thời gian để thành hiện thực, nếu có.
Dữ liệu từ Cơ cấu Tiền tệ của Dự trữ Ngoại hối Chính thức (COFER) của IMF vẫn cho thấy đồng bạc xanh này chiếm khoảng 60% dự trữ ngoại hối thế giới.
Hơn nữa, đồng USD chiếm khoảng 80% các hợp đồng tài trợ thương mại và hơn 40% các khoản thanh toán toàn cầu.
Các nhà kinh tế của UBS đã viết trong một ghi chú nghiên cứu: “Ngay cả khi các cường quốc kinh tế trỗi dậy và sụp đổ, thì tình trạng dự trữ tiền tệ của họ vẫn có xu hướng tồn tại tốt sau thời kỳ đỉnh cao ảnh hưởng của họ.”
“Nói chung, chúng tôi nghĩ rằng ngôi vị của đồng USD sẽ tiếp tục tồn tại. Đồng thời, đồng tiền này có thể sẽ tạo ra một số khoảng trống cho các đối thủ cạnh tranh suốt chặng đường này.”
Fisher Investments không tin rằng đó sẽ là một sự kiện “thảm họa” nếu đồng USD mất đi vị thế đồng tiền dự trữ và thương mại.
Công ty này viết trong bài bình luận thị trường của mình: “Đặc quyền quá cao không mang lại bất kỳ lợi thế nào. Vì vậy, chúng tôi nghi ngờ việc đánh mất đặc quyền này sẽ là một bất lợi, càng không nói đến chuyện làm thiệt hại nước Mỹ.”
“Đồng USD rất thuận tiện vì nền kinh tế lớn của Hoa Kỳ — vốn là nơi sản xuất hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ trên toàn cầu — với các thị trường tài chính sâu rộng, thanh khoản, và cởi mở tạo thuận lợi cho thương mại đó. Đó là lý do tại sao vẫn có nhu cầu về đồng USD. Những yếu tố đó dường như sẽ không sớm thay đổi.”
Ông Peter Earle, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ (AIER), trong một báo cáo mới đây đã khẳng định rằng đồng USD “dưới một hình thức nào đó” sẽ tồn tại trong nhiều năm tới.
Tuy vậy, chiến dịch chống đồng USD đang diễn ra trên toàn cầu “sẽ tiếp tục.”
Ông nói: “Và không sớm thì muộn, thì đồng USD sẽ mất vị thế ở ngoại quốc.”
Andrew Moran _ Nhật Thăng
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.