Sự bất lực của bộ binh Iraq buộc Hoa Kỳ tung đòn không kích lớn gần như san phẳng đảo Qanus, nơi được ví như "khách sạn" của phiến quân IS.
Chiến đấu cơ F-15 và F-35 Hoa Kỳ hôm 10/9 tiến hành chiến dịch không kích quy mô lớn tiêu diệt 37 mục tiêu cùng hệ thống hầm hào, hang động trên đảo Qanus ở sông Tigris, phía bắc Iraq. Hòn đảo trên sông với thảm thực vật dày này được ví như một "thiên đường trú ẩn" của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên đường xâm nhập từ Syria vào Iraq.
Video được quân đội Hoa Kỳ công bố cho thấy trong khi đòn không kích diễn ra trên đảo Qanus, các thành viên Lực lượng chống khủng bố Iraq (CTS) cùng xe thiết giáp tập kết trên bờ, sẵn sàng cho hoạt động càn quét sau đó. 36 tấn bom trút xuống đã phá hủy gần như toàn bộ cây cối trên đảo và tiêu diệt 25 tay súng IS, theo Sabah Al-Numaan, phát ngôn viên CTS.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng không quân Hoa Kỳ có hai lý do để tung đòn không kích lớn như vậy vào một hòn đảo chỉ có vài chục tay súng IS trú ẩn. Đòn đánh này không chỉ là chiến thuật "chống tiếp cận địa hình" ngăn đối phương lợi dụng vị trí địa lý có lợi để hoạt động, mà còn là một giải pháp tháo gỡ bế tắc trên thực địa cho quân đội Iraq.
Cuộc không kích này nằm trong hoạt động yểm trợ chiến dịch truy quét IS của Tiểu đoàn 2 thuộc Lực lượng đặc nhiệm Iraq (ISOF). Đây được coi là một mũi nhọn của quân đội Iraq trong chiến dịch tấn công IS, nhưng quân số không lớn và chưa đủ sức đối đầu trực diện với phiến quân ở những địa hình hiểm trở như đảo Qanus.
Theo tướng Abdul Wahab Al-Saddi, chỉ huy CTS, quân đội Iraq biết rõ hòn đảo nằm cách thủ đô Baghdad khoảng 280 km về phía tây bắc này là "khách sạn" ẩn náu lý tưởng cho IS, bởi các đơn vị quân đội Iraq không hiện diện thường xuyên trong khu vực. Theo báo cáo của Ngũ Giác Đài, quân đội Iraq về tổng thể vẫn chưa đủ khả năng và cơ sở vật chất để chống lại IS trong các chiến dịch thường xuyên.
Khi bộ binh Iraq không thể tiến hành chiến dịch đổ bộ lên đảo Qanus để truy quét phiến quân, lựa chọn duy nhất của Hoa Kỳ là sử dụng hỏa lực lớn, mang tính hủy diệt, để xóa sổ nơi ẩn náu và binh lực của địch trên đảo.
"Chúng tôi đã ngăn chặn khả năng ẩn nấp của phiến quân trên đảo Qanus, tạo điều kiện cho các lực lượng đối tác mang lại ổn định cho khu vực", tướng không quân Hoa Kỳ Eric Hill, chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của liên quân do Mỹ dẫn đầu (CJTF-OIR), cho biết.
Để tiến hành chiến dịch này, không quân Mỹ nhiều khả năng đã sử dụng bom GBU-31/B JDAM dẫn đường bằng vệ tinh, mỗi quả nặng hơn 900 kg. Mỗi chiến đấu cơ F-15E mang ít nhất 5 quả GBU-31/B JDAM, trong khi chiến đấu cơ F-35A có thể mang hai quả trong thân khi tiến hành chiến dịch.
Kỹ thuật viên gắn bom GBU-31/B cho chiến đấu cơ F-15E trước cuộc không kích.
"Sẽ cần khoảng 40 quả GBU-31/B để đạt khối lượng 36 tấn bom dùng trong đòn đánh này. Video không cho thấy 40 vụ nổ riêng rẽ, nhiều khả năng đó chỉ là một phần trong đợt không kích. Ném lượng lớn bom để san phẳng hòn đảo như vậy có thể coi là giấc mơ với mọi phi công chiến đấu", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận xét, cho rằng mục tiêu chính của đòn không kích là phá hủy nơi trú ẩn của phiến quân IS, thay vì nhằm vào các tay súng hoặc hầm hào cụ thể.
Không quân Hoa Kỳ từng thực hiện những chiến dịch chống tiếp cận địa hình tương tự tại Afghanistan trong giai đoạn 2016-2017. "Hoạt động này có thể giúp điều chỉnh hướng cơ động của đối phương, cũng như ngăn địch kiểm soát các khu vực chủ chốt. Điều đó bảo đảm khả năng tác chiến tự do cho lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh, cũng như cho phép chúng tôi thu thập nhiều tin tình báo giá trị", quan chức không quân Hoa Kỳ cho hay.
Chiến đấu cơ F-35A thả bom GBU-31/B trong đợt không kích hôm 10/9.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo đòn không kích này cho thấy IS vẫn là mối đe dọa an ninh hiện hữu, dù liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu tuyên bố đã đánh bại hoàn toàn phiến quân trên lãnh thổ Iraq từ tháng 12/2017.
"Nếu không quân Hoa Kỳ phải thực hiện chiến dịch chống tiếp cận, rõ ràng IS đang tự do hoạt động. Nó cũng thể hiện hạn chế của chính phủ Iraq khi không kiểm soát được nhiều khu vực chiến lược", Trevithick nói thêm.
Văn phòng giám sát chính phủ Hoa Kỳ gần đây công bố báo cáo về nhược điểm của quân đội Iraq, cho rằng họ không thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và do thám trên không, trong bối cảnh Baghdad chỉ có một máy bay không người lái (UAV) CH-4B do TC sản xuất còn đủ điều kiện vận hành.
"Dù mục đích của chiến dịch không kích dữ dội nhằm vào Qanus là gì đi nữa, nó chắc chắn thể hiện IS luôn là mối nguy hiểm thường trực mà chính quyền Iraq và liên quân Hoa Kỳ không thể xem nhẹ", Trevithick đánh giá.
Trong tuyên bố hôm 14/9, Tòa Bạch Ốc cho biết Hamza bin Laden, con trai của thủ lĩnh al Qaeda Osama bin Laden, đã chết trong chiến dịch chống khủng bố của Hoa Kỳ.
Tòa Bạch Ốc cho biết chiến dịch này được triển khai ở khu vực Afghanistan - Pakistan, theo Reuters.
"Việc mất Hamza bin Laden không chỉ làm (al Qaeda) mất đi khả năng lãnh đạo quan trọng và mối liên hệ mang tính biểu tượng với người cha Osama bin Laden, mà còn làm suy yếu các hoạt động quan trọng của nhóm này", tuyên bố của Nhà Trắng viết.
Hamza bin Laden là nhân vật đáng chú ý trong nhóm chiến binh al Qaeda. Từ đầu tháng 8, các nguồn tin cho biết Hoa Kỳ đã tham gia vào chiến dịch hạ sát người thừa kế al Qaeda, được cho là khoảng 30 tuổi, từng cố gắng hồi sinh tổ chức này.
Hamza bin Laden được nhìn thấy lần cuối trong một video công bố năm 2017.
Theo New York Times, Hamza bin Laden được cho là bị sát hại trước cả khi bộ Ngoại giao Mỹ thông báo mức thưởng 1 triệu USD hồi tháng 2 cho thông tin về nghi phạm khủng bố này.
Hamza bin Laden đã tìm cách tấn công vào các mục tiêu ở phương Tây nhằm khôi phục vị thế tiên phong của al Qaeda trong số các nhóm thánh chiến cực đoan, sau sự suy tàn của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Khi được hỏi liệu Tòa Bạch Ốc có thông tin tình báo gì về việc Hamza bin Laden đã chết hay không, Tổng thống Donald Trump hôm 31/7 trả lời: "Tôi không muốn bình luận về điều đó".
Trong tuyên bố công khai cuối cùng được biết đến vào tháng 3/2018, Hamza bin Laden đã đe dọa Saudi Arabia và kêu gọi người dân nổi dậy.
Vào tháng 3, Saudi Arabia đã hủy bỏ quyền công dân của Hamza sau khi Hoa Kỳ treo phần thưởng trị giá 1 triệu USD cho người tìm thấy người này.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.