Khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm, mà đa phần bị vứt ra bãi rác. Lượng rác thải khổng lồ này đóng phần to lớn vào việc làm biến đổi khí hậu.
Đầu bếp Max La Manna chia sẻ kinh nghiệm để chúng ta có thể thay đổi tình trạng trên.
Bạn có thể làm gì để cải thiện tình hình?
"Thực phẩm luôn là nguyên liệu chính trong đời tôi. Có cha là đầu bếp, nên tôi lớn lên trong thế giới thực phẩm. Cha mẹ tôi dạy tôi không bao giờ được lãng phí thức ăn."
"Trên hành tinh có gần 9 tỷ người, chúng ta đang đối diện với tình trạng không đảm bảo an toàn lương thực ở mọi cấp độ, và hơn 820 triệu người không đủ ăn. Việc lãng phí thực phẩm là một trong những vấn đề lớn nhất mà nhân loại đang phải đối diện lúc này. Ước tính có một phần ba tổng số lương thực thực phẩm được làm ra trên toàn cầu đang bị mất đi hoặc bị lãng phí."
"Lãng phí lương thực không chỉ có nghĩa là vứt bỏ thức ăn, mà còn là phung phí tiền bạc, phung phí nước, lãng phí năng lượng, lãng phí đất và lãng phí cả việc giao thông đi lại."
"Vứt bỏ thức ăn còn góp phần gây tác động, làm thay đổi khí hậu. Thức ăn dư thừa bỏ đi thường được đổ ra bãi rác, nơi chúng dần thối rữa và tạo thành khí methane. Nếu như tổng lượng thực phẩm thừa vứt bỏ được tính là một quốc gia, thì đó sẽ là quốc gia xả khí thải nhà kính nhiều thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung cộng."
Ngày thứ nhất: Khéo mua sắm khi đi chợ
Nhiều người thường mua nhiều hơn nhu cầu thực sự. Hãy đi chợ mua sắm khéo léo bằng cách lên danh sách các món định mua và bạn nhớ chỉ mua những gì đã được ghi trong đó.
*Tận dụng: Lưu ý dùng cho hết các món bạn mua trong lần đi chợ trước rồi hẵng mua thêm rau quả.
Ngày thứ hai: Cất trữ thực phẩm đúng cách
Nếu cất trữ không đúng cách, bạn sẽ bỏ phí đi rất nhiều thực phẩm. Nhiều người không biết nên giữ hoa quả, rau xanh như thế nào cho phải, và vậy là khiến cho những món này chín quá nhanh, rồi rốt cuộc bị thối hỏng.
Chẳng hạn như khoai tây, cà chua, tỏi, dưa chuột và hành tây là những món không bao giờ nên bỏ vào tủ lạnh. Chúng cần được để ở nơi có nhiệt độ bình thường như trong phòng.
Phần cuộng cách loại rau xanh, rau thơm gia vị có thể nhúng vào nước.
Bánh mì thì nên cất trong tủ đá nếu bạn nghĩ là không ăn kịp trước ngày hết hạn.
Bạn có thể góp phần giảm bớt tình trạng lãng phí thực phẩm bằng việc mua các sản phẩm hơi kém hoàn hảo một chút tại quầy hàng rau quả, hoặc tốt hơn cả là mua thẳng từ nhà nông.
Ngày thứ ba: Cất đồ ăn thừa (và ăn hết chỗ đó)
Thức ăn thừa không phải là thứ chỉ có trong dịp đi nghỉ. Nếu bạn nấu quá nhiều và thường xuyên bỏ thừa, hãy bỏ ra một ngày để ăn hết những gì còn lưu cữu trong tủ lạnh. Đó là một cách rất tốt để tránh vứt bỏ thực phẩm thừa.
Hơn nữa, việc này giúp bạn tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.
Ngày thứ tư: Kết bạn với tủ đá
Cấp đông thực phẩm là một trong những cách dễ dàng nhất để bảo quản. Có vô số các loại thực phẩm phù hợp cho việc trữ đông.
Ví dụ như với các rau xanh quá mềm để làm món xa-lát ưa thích, bạn có thể dùng bỏ vào túi hoặc hộp đựng, loại an toàn khi dùng trong tủ đá để cất giữ. Sau này bạn có thể dùng chúng để làm món sinh tố hoặc để cho vào các món ăn thích hợp.
Rau gia vị còn quá nhiều có thể đem trộn với dầu olive và tỏi xắt miếng nhỏ rồi đem đông đá trong các khay thành từng viên nhỏ, rất tiện và rất ngon để cho vào các món xốt hoặc các món ăn khác.
Bạn có thể cất vào tủ đá đồ ăn thừa sau các bữa ăn, phần thực phẩm bạn mua quá nhiều từ sạp hàng nông sản mà bạn ưa thích, và các bữa ăn chuẩn bị sẵn cho những ngày sau như món súp hay món chili (thịt băm hầm mềm với sốt cay chili, cà chua, đậu hạt và một số loại gia vị khác). Đây là một cách rất tốt để đảm bảo là bạn luôn có một bữa ăn lành mạnh, được nấu ở nhà để dùng được ngay khi cần.
Ngày thứ năm: Mang đồ ăn trưa theo
Tuy việc ăn trưa ở ngoài với đồng nghiệp hoặc ăn ở nhà hàng ưa thích là điều rất dễ chịu, nhưng rõ ràng đây cũng là chuyện rất tốn kém và nó góp phần làm tăng thêm mức độ lãng phí thực phẩm.
Mang đồ ăn trưa theo khi đi làm là một cách hữu ích để bạn tiết kiệm tiền trong lúc góp phần làm giảm mức thải khí carbon.
Nếu bạn mắc kẹt, không có thời gian vào buổi sáng, hãy thu xếp trữ đông đồ ăn thừa vào các hộp cỡ vừa. Bằng cách này, bạn sẽ có sẵn các bữa ăn đầy đặn đã chuẩn bị sẵn để sáng ra có mang theo.
Ngày thứ sáu: Làm nước dùng
Làm nước dùng cất sẵn trong nhà là một cách đơn giản để không làm lãng phí thực phẩm.
Đem các phần rau củ bỏ đi, như các phần đầu mẩu, cọng cành, phần vỏ bóc ra và bất kỳ các phần bỏ đi nào khác, xào sơ với một chút dầu olive hoặc bơ, rồi bỏ nước vào đun liu riu cho tới khi bạn có món nước dùng từ rau củ rất thơm ngon.
Ngày thứ bảy: Ủ rác, nếu bạn có điều kiện
Đem ủ hoai các thực phẩm thừa bỏ là một cách tốt để tái sử dụng những thứ đã bị vứt đi, biến chúng thành năng lượng nuôi cây.
Tuy không phải ai cũng có chỗ để quây làm nơi ủ phân xanh ngoài trời, nhưng có rất nhiều hệ thống ủ phân xanh đơn giản, dễ làm, dùng được kể cả ở những nơi rất eo hẹp về không gian.
Thùng ủ phân xanh ngoài trời rất thích hợp với những người có vườn rộng, còn xô ủ nhỏ loại xách tay được lại là lựa chọn tốt nhất cho những ai sống trong thành phố có trồng cây trong nhà hoặc có khoảnh vườn nhỏ trồng rau thơm, gia vị.
Lời cuối
Điều quan trọng là tất cả chúng ta đều có thể giảm bớt tình trạng lãng phí thực phẩm, và có vô số cách khác nhau để đạt được điều đó.
Với việc suy nghĩ nhiều hơn về các kiểu thức ăn mà gia đình bạn đã vứt bỏ mỗi ngày, bạn có thể sẽ giúp tạo ra những thay đổi tích cực để bảo tồn một số những nguồn tài nguyên quý giá nhất của Trái Đất.
Kể cả những thay đổi ở mức nhỏ nhất trong cách bạn đi mua sắm, nấu nướng và ăn uống thực phẩm sẽ giúp giảm tác động tiêu cực tới môi trường. Không cần phải làm những gì phức tạp.
Với một nỗ lực nhỏ, bạn có thể cắt giảm lượng thực phẩm bị vứt bỏ đi một cách đáng kể, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và giúp giảm bớt áp lực đang đè nặng lên Mẹ Thiên Nhiên.
Max La Manna
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.